Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 04:52 GMT+7

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên mặt trận chống đói nghèo

Biên phòng - Trên các khu vực biên giới, có một “mặt trận” hết sức cam go mà quân và dân thời kì nào cũng phải đối mặt, đó là “mặt trận” chống đói nghèo. Với đặc thù là một lực lượng trong quân đội, “ở trong lòng dân”, BĐBP được các cấp, các ngành ưu tiên phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Một trong số đó là nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, tạo sự an cư, lạc nghiệp cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

c7iy_4a
Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (BĐBP Quảng Ninh) hỗ trợ người dân làm nhà trong thực hiện Cuộc vận động “Mái ấm nơi cho người nghèo biên giới, hải đảo”. Ảnh: Thụy Văn

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" trên địa bàn cả nước cho đến nay đã tròn 1 thập kỉ. Thời gian đó đủ để thử thách tính đúng đắn và hiệu quả của một cuộc vận động lớn. Từ cuộc vận động này, ý nghĩa an sinh xã hội của việc xây nhà giúp dân đã được cộng thêm rất nhiều giá trị: Đời sống nhân dân dần dần được cải thiện do cái gốc an cư lạc nghiệp đã có. Trong những ngôi nhà được quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố, trẻ nhỏ không còn bị bỏ bê mà được chăm sóc sức khỏe, được đến trường, nhân dân tránh được thiên tai mưa bão, tránh được bệnh tật, an tâm lo phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đến nay, cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã huy động xây mới đưa 7.000 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá gần 300 tỷ đồng và gần 300 công trình dân sinh, trị giá hơn 248 tỷ đồng. Đó là con số đáng mơ ước đối với những vùng dân cư biên giới còn khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư và thu nhập của nhân dân chỉ ở mức nghèo đói đắp đổi qua ngày.

Một trong những bài học sâu sắc mà cuộc vận động phối hợp với các bộ, ngành mang lại, đó là sự lan tỏa ra toàn xã hội, các cấp, ngành địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Qua đó làm cho nhận thức và trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc, xây dựng các công trình dân sinh, xóa nhà dột nát, giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên biên giới, biển đảo ổn định cuộc sống, thoát nghèo, xóa mù chữ... được nâng lên.

10 năm qua, đối với nhiều địa phương, tỉ lệ hộ đói, hộ nghèo giảm, đồng bào ở các xã biên giới đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện định canh, định cư, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường tăng cao, phần lớn các gia đình đều có nhà ở ổn định, người dân trên các địa bàn biên giới đã thực hiện tốt nếp sống vệ sinh nơi ăn, chốn ở, khi đau ốm đã biết đến các cơ sở y tế để thăm khám, chữa bệnh.

Chính cuộc vận động này đã làm cho công tác dân vận - một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả BĐBP và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều được thực hiện dễ dàng hơn. Khi người dân chưa đủ cái ăn, cái mặc, chưa có nhà ở thì khó có thể thuyết phục họ thực thi, hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, để những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, phải hỗ trợ người dân giảm nghèo, giúp dân biên giới bám làng bản, đẩy mạnh sản xuất, khai khẩn canh tác tối đa quỹ đất đai ở sát biên giới, từ đó mới bảo vệ vững chắc vùng phên giậu của Tổ quốc. Trên thực tế, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiều nguồn lực kinh tế luôn luôn dành những ưu đãi cho các khu vực dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, vì giao thông cách trở, mặt bằng dân trí thấp, nguồn tài nguyên về đất đai, con người chưa được sử dụng hợp lý, nên người dân biên giới luôn có mức thu nhập thấp, không có lực đẩy để thoát nghèo, nếu không có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực xã hội.

Trong nhiều chuyến công tác trở lại biên giới, chúng tôi có dịp đến những vùng đất mà hơn 10 năm trước đây, diện mạo của bản làng vẫn còn nhiều nhà tranh tre, nứa lá dột nát. Vùng biên cương đìu hiu buồn vì cái hoang vắng cố hữu, hơn thế nữa là cái nghèo oằn vai đời đời kiếp kiếp. Nhưng niềm tin và hy vọng đã nhen lên khi chính những khu vực đó giờ đây đã đổi thay. Những nhà dân kiên cố được hỗ trợ, được thúc đẩy để làm mới, sửa lại khang trang. Các nhà trong ngõ xóm cũng huy động sức dân ra làm lại, làm mới. Bản làng có động lực để làm giàu, mới biết căn nhà là sự ổn định, an toàn, là sự yên tâm của họ gắn vào vùng biên. Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” còn kéo dài và lan tỏa ra mãi. Những người lính Biên phòng vẫn cần mẫn kết nối giữa những nhà hảo tâm, khảo sát những gia đình nghèo, tư vấn hỗ trợ và giúp đỡ, đề nghị kết hợp nhiều nguồn lực của địa phương để tiếp tục xóa hẳn nhà tạm, làm nhà, giúp ngày công cho những gia đình neo đơn, mất sức lao động, những gia đình chính sách.

Người dân ở đâu cũng vậy, cũng đều yêu mảnh đất nơi mình sinh sống, nơi có rừng, có nhà, và mồ mả tổ tiên cha ông. Giúp họ an cư với biên giới cũng là tri ân với đồng bào. Nhiều mô hình hay sáng tạo của  BĐBP các đồn, trạm được đúc kết, trong đó có việc huy động thanh niên các đơn vị, với thanh niên tình nguyện của các đoàn thể của địa phương để làm nhà kiên cố cho các hộ gia đình nghèo. Một số đơn vị khác lại có sáng kiến kết nối doanh nghiệp để các doanh nghiệp tự trích từ quỹ phúc lợi của họ hỗ trợ đúng và trúng với những hộ dân đang thiếu... Ngoài tặng nhà, các đơn vị còn tặng con giống, cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tiếp nối Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, thời gian tới, hàng loạt các cuộc vận động ý nghĩa khác giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với Bộ Tư lệnh BĐBP được mở ra, như phối hợp tổ chức vui đón Tết Nguyên đán tại các vùng biên giới, Ngày Biên phòng toàn dân, phối hợp thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, tổ chức phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây được xác định là mục tiêu lâu dài trên mặt trận chống đói nghèo gồm nhiều hạng mục và tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả giữa 2 bên.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO