Biên phòng - Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền tại Australia với đa số mong manh trong Quốc hội, bất ngờ rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” sau khi Phó Thủ tướng Barnaby Joyce ngày 14-8 bị tố giác mang hai quốc tịch, đồng nghĩa với việc ông có nguy cơ phải rời khỏi Quốc hội.

Nguy cơ mất chức vì hai quốc tịch
Phó thủ tướng, đồng thời là Chủ tịch đảng Quốc gia Barnaby Joyce ngày 14-8 thừa nhận ông có thể không đủ tư cách nghị sĩ trong cơ quan lập pháp Australia sau khi bị tố giác mang hai quốc tịch Australia và New Zealand.
Tuy thừa nhận bản thân bị sốc vì thông tin có thể sở hữu hai quốc tịch, song Phó Thủ tướng Barnaby Joyce khẳng định, bản thân luôn là công dân Australia vì sinh ra tại thành phố Tamworth, bang New South Wales vào năm 1947. “Khái niệm công dân Australia - New Zealand đã không được tạo ra mãi cho đến năm 1948. Cả cha mẹ tôi và tôi chưa bao giờ xin đăng ký để tôi làm công dân New Zealand”, ông quả quyết.
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand cũng đã thừa nhận ông Barnaby Joyce được công nhận là công dân của nước này do cha ông là người gốc New Zealand.
Theo Hiến pháp Australia, các chính khách ở nước này không được bầu vào Quốc hội nếu giữ hai quốc tịch. Vấn đề này đang trở nên “nóng” trên chính trường Australia trong một vài tuần trở lại đây khi một số nghị sĩ thuộc các đảng nhỏ buộc phải từ chức do bị phát hiện mang hai quốc tịch.
Cụ thể, hai thượng nghị sĩ của đảng Xanh là Scott Ludlam và Larissa Waters gần đây phải từ chức sau khi bị phát hiện mang song tịch. Trước đó, Thượng nghị sĩ Matt Canavan đã phải từ chức Bộ trưởng Tài nguyên trong thời gian chờ làm rõ tình trạng công dân sau khi thừa nhận việc gần đây mới biết bản thân sở hữu thêm quốc tịch Italia. Một trường hợp khác cũng đang bị “soi” là Thượng nghị sĩ Malcolm Roberts, người bị nghi ngờ có quốc tịch Anh.
Ngay lập tức, Công đảng đối lập Australia đã nắm lấy cơ hội để kêu gọi Phó Thủ tướng Barnaby Joyce từ chức. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không từ chức và sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án Tối cao Australia để tòa quyết định về tư cách nghị sĩ của ông trong Quốc hội Australia. Nếu Tòa án Tối cao Australia ra phán quyết buộc ông Barnaby Joyce phải rời ghế nghị sĩ, Công đảng đối lập sẽ kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ và khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ phải dựa vào sự ủng hộ của một số nghị sĩ độc lập thì mới có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu này.
Trong trường hợp ông Barnaby Joyce buộc phải ra đi, đồng nghĩa với việc Liên đảng cầm quyền mất thế đa số, Thủ tướng Turnbull có thể sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy uy tín của Liên đảng ngày càng giảm sút trước Công đảng và nhiều nguy cơ sẽ thất bại trong một cuộc bầu cử sớm.
Không chỉ gây mâu thuẫn trong nội bộ, vụ “song tịch” của Phó thủ tướng Barnaby Joyce còn gây hục hặc ngoại giao giữa Australia và New Zealand. Ngày 15-8, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop chỉ trích Công đảng đối lập New Zealand vì đã cố “gây tổn hại cho chính quyền Australia" khi phanh phui việc Phó Thủ tướng Barnaby Joyce có quốc tịch New Zealand.
Theo báo chí Australia, bà Bishop cáo buộc Công đảng Australia đã thông đồng với nghị sĩ Chris Hipkins của Công đảng New Zealand để đặt vấn đề về quyền công dân của ông Barnaby Joyce. Ông Chris Hipkins cũng đã thừa nhận việc được nghị sĩ Australia liên lạc.
Lãnh đạo đảng đối lập New Zealand Jacinda Ardern sau đó tìm cách hạ nhiệt tình hình khi thừa nhận với Cao ủy Australia tại New Zealand Peter Woolcott rằng, việc nghị sĩ Hipkins nêu vấn đề về quyền công dân của Phó thủ tướng Australia là “không thích hợp”.
Chuyện không phải mới
Rắc rối của Phó Thủ tướng Australia liên quan đến vấn đề song tịch không phải là mới. Thủ tướng Thái Lan trước đây Abhisit Vejajjiva cũng từng gặp một chuyện rắc rối về nhân thân. Ông Abhisit có hai quốc tịch Thái Lan và Anh. Ông Abhisit mặc nhiên mang quốc tịch Anh vì ông sinh ra tại thành phố Newcastle. Trong khi đó bố mẹ ông là dòng dõi gia đình giàu có ở Bangkok.

Theo thủ tục pháp lý, lẽ ra ông phải từ bỏ quốc tịch Anh trong sự nghiệp chính trị ở quê hương Thái Lan. Trước thắc mắc của người dân rằng, tại sao lâu nay ông vẫn “che giấu” quốc tịch của mình, ông Abhisit nói: “Tôi thừa nhận chưa từ bỏ quốc tịch Anh bởi vì ai cũng hiểu rằng về mặt pháp lý, nếu các luật quốc tịch mâu thuẫn nhau thì luật pháp Thái Lan phải được áp dụng. Ý định của tôi là rõ ràng. Tôi sinh ra tại Anh nhưng tự coi mình là người Thái Lan. Tôi muốn trở về làm việc và sinh sống tại Thái Lan, phục vụ đất nước mà không có ý muốn gì khác”.
Năm 2016, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng buộc phải từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình. Theo Reuters, ông Boris Johnson sinh ra tại New York, Mỹ cách đây 52 năm. Ông là một công dân mang hai quốc tịch cho đến năm 2016. Trước đó, năm 2015, ông Boris Johnson đã gặp rắc rối với cơ quan thuế của Mỹ khi cơ quan này buộc ông phải trả tiền thuế sau khi bán ngôi nhà ở London. Ông Boris Johnson đã gọi hành động này là “hoàn toàn thái quá” vì ông đã không sống ở Mỹ kể từ khi lên 5 tuổi. Theo CNN, Luật thuế của Mỹ khác với hầu hết các nước khác, buộc công dân Mỹ phải trả các loại thuế thu nhập, bất kể họ sống ở đâu hoặc kiếm tiền từ đâu.
Ông Boris Johnson trở thành Ngoại trưởng Anh năm 2016 sau khi quốc gia này tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra khỏi Liên minh châu Âu.
Thu Uyên