Biên phòng - “Khánh Hòa là tỉnh phát triển du lịch biển, đảo lớn nhất Nam Trung Bộ, thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Vingroup thực hiện Chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” với mục đích đẩy mạnh phong trào học và nói tiếng Anh của người dân địa phương, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, đồng thời chuyển tải được văn hóa, cốt cách của người dân vùng biển tới cộng đồng thế giới” - bà Bùi Thu Dung, Giám đốc Dự án “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” chia sẻ.
Ngày 11/1, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ phát động Chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh”. Đây là chương trình ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Vingroup thực hiện trong thời gian 5 năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, theo định hướng phát triển toàn diện, bền vững và hội nhập thế giới.
“Mục tiêu của Chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” nhằm giúp cho người dân địa phương có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, thúc đẩy phong trào nói tiếng Anh đi vào cuộc sống và phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh. Trong tương lai không xa, đại bộ phận người dân Khánh Hòa sẽ tự tin giao tiếp với du khách nước ngoài, chủ động tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và thương mại” - ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” đặt ra mục tiêu.
Trước đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa và Ban Quản lý dự án Vinuni (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã triển khai tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, tính nhân văn của dự án đến sinh viên, học sinh, đoàn viên, thanh niên. Hai địa phương là thành phố Nha Trang và huyện Cam Lâm chọn làm thí điểm, sau đó sẽ mở rộng ra quy mô toàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Trong năm đầu tiên, chương trình kỳ vọng giúp 50.000 người dân tiếp cận và sử dụng Mobile App học tiếng Anh. Đồng thời, tuyển 500 tình nguyện viên tham gia giảng dạy và sinh hoạt tại 150 câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh được thành lập mới, gồm: 100 CLB sinh viên, 10 CLB học sinh, 10 CLB công chức/viên chức, 20 CLB doanh nghiệp, 10 CLB cộng đồng.
“Trước khi lập, các thành viên CLB tiếng Anh kiểm tra trình độ của từng người để sắp xếp thích hợp. Ví dụ, nhóm chưa nói được tiếng Anh, nhóm nói tiếng Anh tốt…, từ đây sẽ lựa chọn những giáo trình phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Với nhóm đã biết tiếng Anh ở một mức độ nhất định, dự án đưa vào sử dụng giáo trình Picture Dictionary của The Heinle (Nhà xuất bản National Geographic Learning). Giáo trình này gồm các minh họa bằng hình ảnh sinh động và sắc nét, kèm theo audio để học viên luyện nói với các chủ đề thông dụng trong cuộc sống như: Gia đình, thời tiết, sức khỏe, công việc, ẩm thực, giao thông...” - bà Bùi Thu Dung giải thích.
Tập đoàn Vingroup có vai trò tư vấn chuyên môn, hỗ trợ vận hành và tài chính cho dự án. Cụ thể, Trường Đại học VinUni (thuộc Vingroup) chịu trách nhiệm nội dung về giáo trình, xây dựng năng lực tình nguyện viên và lực lượng nòng cốt cho toàn bộ dự án... Thời gian vừa qua, Trường Đại học Nha Trang và Trường Đại học Khánh Hòa đã thành lập các CLB tiếng Anh, tuyển đội ngũ tình nguyện viên tại trường làm lực lượng đồng hành cùng Ban Quản lý dự án trong các hoạt động dạy học tiếng Anh và triển khai các hoạt động.
Sự khác biệt của dự án là lấy người dân làm trọng tâm, tập trung vào kỹ năng nói và thực hiện chủ yếu bằng lực lượng tình nguyện viên. Bên cạnh giảng viên, giáo viên tiếng Anh, lực lượng tình nguyện viên sẽ tập trung vào việc hướng dẫn thực hành giao tiếp, tạo ra môi trường và phong trào nói tiếng Anh để người dân chủ động tham gia. Thành lập các CLB tiếng Anh tới từng phường, xã và xây dựng ứng dụng học tập trực tuyến Mobile App dành cho 5 nhóm đối tượng chính: Học sinh - sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức, tiểu thương, người lao động, doanh nghiệp. Tỉnh đoàn Khánh Hòa điều phối thực hiện chương trình.
Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni chia sẻ: “Hiện nay, mỗi tuần có hàng chục chuyến bay từ các nước đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh. Người dân biết nói tiếng Anh, giao tiếp với du khách quốc tế là nhu cầu thiết thực, vừa giúp họ kiếm được nhiều tiền, vừa giao lưu được văn hóa với cộng đồng người nước ngoài. Đây là động lực lớn nhất để chúng tôi thực hiện thành công dự án”.
“Phải có phương pháp tốt để thu hút người dân Khánh Hòa yêu thích học và ứng dụng được tiếng Anh vào đời sống. Từ đó, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa thanh niên Khánh Hòa với thanh niên, học sinh, sinh viên các nước đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, giao lưu với thanh niên quốc tế. Thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, phát huy vai trò và lực lượng thanh niên quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của địa phương đến bạn bè trong nước và ngoài nước”. Ông Đinh Văn Thiệu cho biết
Lệ Giang