Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Phiên cá cơm cuối mùa

Biên phòng - “Có 3 mớ, dậy kéo cá”, thuyền trưởng Nguyễn Luân, ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi ngoái đầu lại để gọi các ngư dân đang say giấc trong khoang ca bin. Tiếng máy tàu tăng ga và phiên lưới đánh cá cơm bắt đầu giữa lúc gió Nam thổi vù vù trên biển. Rồi máy bộ đàm Icom vang tiếng ngư dân nhắc đến phiên cá cơm cuối mùa ở miền Trung... 

Ngư dân đánh cá cơm trên biển. Ảnh: Văn Chương

Một vầng sáng trên biển lóa lên rồi lại tối xuống chậm chạp, giống như mặt trời mọc dưới đáy biển đang tỏa ánh sáng lên không gian. Tiếng máy tàu hự hự khi thuyền trưởng đẩy cần ga tăng lên để chiếc máy kéo bình phát điện cho cụm đèn pha đang nhoài ra phía mặt biển được bật tung. Sau 2 cú nhấp đèn, đàn cá cơm ham ánh sáng lập tức tụ về gần tàu. Các ngư dân nhanh chóng ném lưới xuống nước rồi rút về thành tàu. Mọi thứ chỉ diễn ra chưa đầy 10 phút, tiếng xào xào vang lên khắp boong tàu khi cá cơm được đổ vào giỏ, trộn đá, đưa xuống hầm tàu. Đó là hình ảnh đẹp mắt khi xuôi ngược trên tàu đánh cá cơm và khó có thể mô tả hết được nghề đánh cá cơm vốn là loại hải sản để muối mắm ngon nhất.

Con tàu đánh cá cơm của ngư dân Nguyễn Luân ra biển phiên cuối, trong lúc các tàu cá khác đang tuyển bạn chài để ra ngư trường miền Bắc. Nghe các thuyền trưởng liên tục nhắc đến các cụm từ “miền Trung”, “miền Nam”, “miền Bắc” tôi mới thấy hết sự linh hoạt của ngư dân miền Trung trong việc vươn khơi bám biển. Mùa cá cơm ở Quảng Ngãi lắng xuống thì tàu cá sẽ ra đảo Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, hoặc đi dọc vùng biển các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa để đánh cá; đợt cá ở vịnh Bắc bộ lắng xuống thì lại tiếp tục chạy vào các tỉnh phía Nam.

Nếu đến một số tỉnh thành ở miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị thì sẽ gặp các tàu đánh cá đánh bắt theo phương thức “địa phương”. Có nghĩa là tàu chỉ quẩn quanh ở một số ngư trường gần đó, đến khi hết mùa cá thì đánh bắt cầm chừng rồi neo tàu nghỉ ngơi. Nguyên nhân không phải do chủ tàu, mà do bạn chài vốn quen với cuộc sống không đi quá xa nhà. Còn ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên thì chấp nhận bám biển quanh năm.

Ngư dân Nguyễn Nhiệm, ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi dụi mắt, nhìn ra phía khơi xa, nơi có đoàn tàu đánh bắt cá cơm đang tăng tốc ra khơi rồi cho biết: “Tháng trước, tôi từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị trở về. Ra đó thì cá ngập lút, có đêm đánh được 10 tấn cá, nhưng giá cá rẻ quá, trong khi ở tỉnh Quảng Ngãi, giá cá cao nên cứ đánh được vài mẻ cá là có tiền chia cho anh em đi bạn”.

Thuyền trưởng Nguyễn Luân không rời chiếc máy bộ đàm Icom để nắm tình hình ngư trường. Trong ca bin đặt chiếc máy quét luồng cá, tuy nhiên giới hạn của “mắt thần” trên máy quét cũng chỉ ở mức bán kính 200-500 mét, vì vậy, ông phải luôn liên hệ với ngư dân trên nhiều tàu cá khác rồi “a lô, chỗ đó có tàu nào nhá đèn không vậy?”. Ra khơi phải có sự liên kết thì mới đánh bắt thành công. Thuyền trưởng Nguyễn Luân cho biết, phiên biển này đánh bắt kém hiệu quả, nhiều ngư dân chạy tàu ra các tỉnh khác nên mất đi đồng minh; còn những ngày trước, chỉ cần a lô là anh em nhắn cho thông tin có đèn chớp nháy ở tại tọa độ nào đó để cùng nhau đánh bắt.

Nháy đèn có nghĩa là các thuyền trưởng trong cùng nhóm luôn để mắt quan sát khắp mặt biển, khi phát hiện ra tàu nào bật đèn pha để đánh cá thì sẽ lập tức thông báo cho anh em trong nhóm. Nếu tàu nào đang chạy ở cận tọa độ đó thì cho tàu lao tới để vét lại luồng cá.

Các ngư dân cho biết, ngư dân tỉnh Quảng Trị cứ đặt câu hỏi rằng, sao tàu đánh cá Quảng Ngãi làm ăn trúng?. Câu trả lời nằm ở chiến thuật “quy tụ, bật đèn” của ngư dân làm nghề cá cơm ở địa phương này. Chiến thuật quy tụ, bật đèn được thuyền trưởng Nguyễn Luân lý giải, đó là khi phát hiện luồng cá thì chiếc tàu đó tắt tất cả bóng điện, sau đó thông báo cho nhiều tàu trong nhóm tập trung lại rồi cùng tập trung bật đèn. Vậy là cả nhóm tàu hối hả đánh cá.

Trên biển tối đen như mực, thuyền trưởng Nguyễn Luân cho tàu đi về phía một chiếc tàu vừa mới chớp đèn pha để đánh cá. Chiếc tàu này cố giữ bí mật để độc quyền đánh hết luồng cá, nhưng cuối cùng vẫn bị lộ. Khi con tàu tiến lại gần, bằng mắt thường, các ngư dân cũng nhận ra bên tàu cá kia cũng đã kiếm được vài chục giỏ cá.

Ngư dân Nguyễn Mến, cùng ở xã Tịnh Kỳ cho biết, chỉ cần bấy nhiêu thôi là anh em đi bạn đã có tiền chia. Giá cá cơm ở Quảng Ngãi hiện nay đã lên đến 50.000 đồng/kg, nếu ngư dân đánh được khoảng 2 mẻ cá thì có thể thu về hơn 50 triệu đồng, trong khi chi phí nhiên liệu chưa tới 7 triệu đồng.

Cá cơm là nguyên liệu chế biến nước mắm ngon nhất. Ảnh: Văn Chương

“Cá, 3 mớ, 4 mớ...”, thuyền trưởng Nguyễn Luân cất giọng khàn khàn của người ngái ngủ, bị dồn nén tâm lý vì đi cả đêm vẫn không gặp được luồng cá lớn. Các ngư dân đang ngủ đã vội bật dậy. Chiếc tàu rung lên bần bật thì máy tàu tăng tốc để kéo bình phát điện nhằm cung cấp cho đèn pha thu hút cá trên tàu. Thuyền trưởng Luân đẩy mạnh công tắc, một luồng sáng lóe lên. Giàn đèn pha có những chiếc đèn cực sáng. Khi ánh sáng soi xuống mặt biển, đàn cá cơm lập tức bị hút về. Cá cơm rất ưa ánh sáng và bị khuấy động mạnh. Bằng chứng là hàng ngàn con cá cơm nhảy nhót lên khỏi mặt nước.

Tiếng cá cơm nhảy là âm thanh vui nhất tôi được nghe trong những ngày xuôi ngược trên biển. Khuôn mặt thuyền trưởng thường căng ra nếu tàu đi mãi nhưng chưa gặp luồng cá. Nhưng mỗi khi nghe tiếng cá nhảy, thuyền trưởng này lại hào hứng kể chuyện cả đời đã đi khắp vùng biển Việt Nam, nên bây giờ thấy yêu biển, thích đi biển hơn là ở nhà.

Thuyền trưởng Nguyễn Luân còn chia sẻ câu chuyện đêm nào tàu cũng xuôi ngược trên biển và ngư dân giống như người lính canh giữ biển quê hương. Câu chuyện của ông kể đã toát lên tinh thần biên phòng toàn dân của những người dân chài quanh năm mưu sinh bám biển. Gần sáng, con tàu dừng lại, chuyển cá sang một tàu thu mua rồi lại tiếp tục rong ruổi lên đường giữa lúc hừng đông đỏ rực trên mặt biển của Tổ quốc.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO