Biên phòng - Do trực tiếp quản lý, sâu sát với địa bàn nên những người lính Biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Bình đã có những tham mưu “đúng” và “trúng” khi hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Những món quà đến đúng nơi cần giúp đỡ, mở ra những cơ hội mới cho cả những người không trực tiếp hưởng lợi.
Ước mơ của cô gái trẻ người Khùa
Tháng 6-2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đồng Hới tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Dân Hóa. Với số tiền vận động được, Hội LHPN thành phố Đồng Hới dự định sẽ làm nhà cho một phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo đề nghị: Thay vì làm nhà tặng cho một phụ nữ, số tiền ấy dành để mua lợn giống tổ chức mô hình chăn nuôi cho 2 gia đình và tặng quà, như vậy sẽ có nhiều phụ nữ được chia sẻ, giúp đỡ.
Trong số phụ nữ được nhận quà lần này có chị Hồ Thị Coong (bản Hà Nôông, xã Dân Hóa). Chị Coong được tặng 3 con lợn, trong đó có 1 con đang chửa, nhằm rút ngắn thời gian sinh đàn, sớm giúp gia đình bớt khó khăn. Khi đến nhà chị Coong, chúng tôi rất ấn tượng với cô con gái thứ 3 của chị, tên Hồ Thị Thây. Mới 16 tuổi nhưng em đã là trụ cột của gia đình từ lâu. Hai năm trước, mẹ của Thây bị thoát vị đĩa đệm và lao xương nên chỉ nằm một chỗ. Chị gái lớn đã lấy chồng, nhà nghèo cũng không giúp được gì. Anh trai thứ 2 đi học ở thành phố Đồng Hới. Lúc ấy, Thây mới 14 tuổi, cứ 1 ngày đi học, 1 ngày đi làm nương lấy tiền nuôi anh đi học, nuôi mẹ, nuôi em trai Hồ Phon mới lớp 5. Năm 2016, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo kết nối với tổ chức từ thiện Chí Thiện, chị Coong được đưa ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chữa trị. Trong 2 tháng, tổ chức từ thiện đã lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho hai mẹ con. Đã nghỉ học 1 năm, nhưng chuyến đi ấy đã khơi lại nỗi khát vọng đến trường của Thây. Tuy nhiên, nhìn lại hoàn cảnh gia đình, Thây thấy con đường đến trường còn quá nhiều trở ngại. Mẹ đã đi lại được, nhưng sức khỏe vẫn yếu, lại lo anh Hồ Thi học xong, ở nhà theo chúng bạn “tiền kiếm được mang đi uống rượu hết, không còn để nuôi mẹ, nuôi em”. Đàn lợn cũng cần người chăm sóc. Đi học bán trú ở xã Hóa Tiến thì không đủ tiền vì từ thứ 2 đến thứ 6 được ăn ở, nhưng thứ 7, Chủ nhật, nhà trường đóng cửa, buộc phải về nhà. Mỗi lần về nhà, tiền xe khách cũng mất 200 ngàn đồng. Học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình thì em không đủ tiêu chuẩn.
Trước khi ra về, Trung tá Dương Đình Hoàn đã nói với Hồ Thi những lời tâm huyết: “Lúc trước, Hồ Thây đã nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ, kiếm tiền để Thi được về thành phố đi học bằng bạn, bằng bè. Giờ mẹ đã khỏi bệnh, Thi đã học xong, cháu nên suy nghĩ mình cần làm gì để em Hồ Thây không bị thiệt thòi. Nếu Thây quyết tâm, dù không xin được vào trường nội trú của tỉnh, học ở Hóa Tiến thì chú sẽ xin học bổng của Hội LHPN, mỗi tháng cũng được 500 ngàn đồng. Rồi sang năm nữa, đơn vị sẽ nhận đỡ đầu em Thây, vì có chương trình “Nâng bước em tới trường”. Bây giờ, tương lai của em Thây là ở cháu phần nhiều. Cứ suy nghĩ nhé, chàng trai”.
Nhiều hình thức “đồng hành”
Nếu như Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo giúp đỡ phụ nữ bằng những món quà trực tiếp trong cuộc sống thì Đồn Biên phòng Làng Ho, Làng Mô lại tham mưu mở rộng hình thức đồng hành với phụ nữ. Đến các bản làng của người Bru Vân Kiều trên dải Trường Sơn, người ta có thể rất ngạc nhiên khi thấy phụ nữ hút thuốc còn nhiều hơn đàn ông. Cây thuốc lá được trồng trên nương, phơi khô, cuốn lại là có thể châm lửa hút. Khi đi rừng, nếu hút thuốc sẽ đuổi được một số loài côn trùng chuyên cắn người, vậy nên hút nhiều thành nghiện. Bởi vậy, người ta có thể gặp phụ nữ hút thuốc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, kể cả khi vừa mới sinh con. Thiếu tá Phạm Duy Bảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Ho, cho biết: Tỷ lệ phụ nữ Bru Vân Kiều hút thuốc rất cao. Có những người không kịp lấy lá thì bỏ tiền mua thuốc lá đầu lọc, có người hút 2 bao một ngày. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy, rất khó khăn, chỉ 5-7 nghìn đồng 1 bao thuốc, nhưng đó cũng là số tiền không nhỏ đối với bà con. Bởi vậy, khi triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đồn Biên phòng Làng Ho và Hội LHPN huyện Lệ Thủy, Hội LHPN xã Lâm Thủy bên cạnh việc tặng quà cho các phụ nữ khó khăn, còn triển khai mô hình “Chi hội phụ nữ không khói thuốc” để mọi người cùng hiểu tác hại của thuốc lá và trách nhiệm với trẻ em. “Vẫn biết việc bỏ thuốc là khó, bởi không chỉ là việc nghiện khó cai, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm triển khai, cố gắng duy trì có hiệu quả” - Thiếu tá Phạm Duy Bảo chia sẻ.
Bản Chân Trộông (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) tỷ lệ phụ nữ mù chữ khá cao, nhiều người vẫn phải điểm chỉ khi cần thiết. Bởi vậy, Hội LHPN xã và Đồn Biên phòng Làng Mô đã “phát sinh thêm” việc mở lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ bản Chân Trộông khi triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Nằm trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” nên chúng tôi cứ nghĩ lớp học sẽ chỉ toàn phụ nữ, nhưng hóa ra không phải, danh sách đăng ký là 18 thì có gần 1/3 là nam. Đại úy Trương Vỹ Lê, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô giải thích, “để phụ nữ được bình đẳng thì cần làm công tác tư tưởng cho cả đàn ông”...
Chị Hồ Thị Nhòa năm nay 43 tuổi, nhắc đến con chữ, chị “còn ngại hơn đi rẫy”. Bởi vậy, lúc đầu chị không đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ của BĐBP. Thế nhưng, chị suy nghĩ rất nhiều. Quả thực, mấy lần đi viện, khi cầm giấy xét nghiệm, chị không đọc được chữ, phải nhờ người chỉ mới biết nơi cần đến khám. Chị lại nghĩ, mọi cái gia đình chị trước nay đều gương mẫu, cũng bởi thế mà chồng chị mới được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Lúc tối, anh nói với chị, anh không ép, nhưng nếu chị đi học, anh sẽ phụ giúp chị việc nhà, không phải lo. Thế nên chị rất mừng khi nghe Đại úy Trương Vỹ Lê nói, “không đăng ký nhưng vẫn có thể đến học”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, chị Trần Thị Thùy Dung còn rất trẻ, lại mới sinh con thứ 2 được mấy tháng, nên chúng tôi rất ngạc nhiên khi chị nhận đứng lớp. Chị Dung bảo: “Bản cách nhà 5km, nhưng cũng may là đi theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh nên cũng không vất vả lắm. Ông bà ngoại ở sát bên nên buổi tối tôi có thể tranh thủ gửi ông bà để đi dạy”. Lớp học tất nhiên cũng không thể thiếu vắng thầy giáo quân hàm xanh. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tường và Đại úy Lê Hữu Đại (Đội Vận động quần chúng) đã “nhận phần” đứng lớp. Chuyện dạy học với các anh không có gì xa lạ vì đã từng tham gia xóa mù chữ cho người dân ở Dốc Mây - bản xa và khó khăn nhất của xã Trường Sơn. Thầy cô đã sẵn sàng, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của học trò để tất cả đều đọc thông, viết thạo sau 6 tháng đèn sách.
Trúc Hà