Biên phòng - Trong cơn mưa chiều, tại căn nhà nhỏ ở một con hẻm thuộc phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, người đàn ông ngoài 40 tuổi mặt hốc hác, mắt đỏ hoe, tay run run đốt từng nén nhang đưa cho bạn bè, người thân đến viếng cậu con trai duy nhất của mình mà không ai cầm được nước mắt…

Người đàn ông khắc khổ ấy là Đ.T.D. Con trai anh tên Đ.M.H (sinh năm 2006) - là một trong 42 người Việt Nam chạy trốn khỏi casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) để bơi qua sông Bình Di (thuộc tỉnh An Giang) về Việt Nam vừa qua, sau những tháng ngày khổ cực nơi xứ người bởi giấc mộng đổi đời phía bên kia biên giới tan vỡ. Nhưng con trai anh lại không may mắn như những người cùng bỏ trốn, bởi cậu đã bị dòng nước cuốn trôi…
Anh D nghẹn ngào: “Cách đây vài tháng, mấy đứa bạn rủ nó đi làm ăn ở mấy tỉnh phía Nam. Đi được mấy hôm, nó gọi điện thoại về nói là làm công nhân trong một công ty ở tỉnh Tây Ninh, rồi chỉ ít ngày sau gọi về lại bảo đang làm ở một casino bên Campuchia. Nó bảo công việc, thu nhập và cuộc sống đều rất tốt!”. Gia đình anh D chưa kịp mừng, thì cách đây mấy hôm có cuộc điện thoại của Công an tỉnh, thông tin về việc cậu con trai mất tích khi cùng 41 người bạn bơi qua sông trốn chạy từ casino bên Campuchia về Việt Nam. Do sông rộng, nước chảy siết, chỉ biết bơi sơ sơ, cộng thêm sức khỏe yếu do những tháng ngày làm ở casino không được ăn uống đầy đủ, nên cậu đã bị cuốn trôi theo dòng nước, sau 2 ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy.
Theo khai báo của những người sống sót, khoảng 9 giờ, ngày 18/8, 42 người Việt Nam làm việc tại casino Rich World (37 nam và 5 nữ) tập trung tại một địa điểm đã thống nhất từ trước, sau đó, đồng loạt tấn công bảo vệ casino và chạy ra cổng rồi bơi sông Bình Di (tỉnh An Giang) nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Nguyên do là trước đây, họ từng thấy lá cờ Việt Nam ở bờ sông đối diện nên xác định phía đối diện là lãnh thổ Việt Nam.
Những người này khai nhận, cả nhóm có 42 người, phần lớn đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino Rich World, công việc hàng ngày là làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino. Do làm việc quá thời gian quy định và không được nghỉ ngơi, cũng không được trả lương, nên nhóm người này đã bàn bạc với nhau để tìm cách vượt biên giới về Việt Nam. Và trong lúc chạy qua cổng casino, 1 người không may mắn đã bị bắt lại, 1 người bị nước cuốn trôi.
Y Liên - cô bé dân tộc Xơ Đăng cũng 16 tuổi, nhưng may mắn hơn Đ.M.H, đã được BĐBP Kon Tum giải cứu khi đang làm việc tại tỉnh Sihanouk, Campuchia, cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 470km về phía Nam vào chiều ngày 20/8/2022. Trước đó, vào tháng 4/2022, Y Liên làm công nhân cho một công ty giày da ở tỉnh Bình Dương và quen biết với một người đàn ông có tài khoản mạng Facebook là Lê Ngọc Nhất. Đối tượng Nhất dụ dỗ Liên sang Campuchia làm việc cho một công ty Trung Quốc, với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” và hứa hẹn, nếu sang đó không làm được, thì Nhất sẽ chi trả tiền để Liên bắt xe về Việt Nam.
Ngày 18/4/2022, đối tượng Nhất dẫn Y Liên cùng 5 người khác, không quen biết nhau sang Campuchia qua đường mòn biên giới tỉnh Long An. Khi đến Campuchia thì mỗi người làm việc một nơi, không liên lạc được với nhau, sau đó, đối tượng Nhất chặn hết mọi phương tiện, không liên lạc với Y Liên. Y Liên cho biết, đối tượng Nhất bán mình cho công ty đầu tiên với giá 1.800 USD, sau đó, Y Liên tiếp tục bị bán cho công ty khác. Vì áp lực công việc đòi hỏi quá cao không đáp ứng được, Y Liên muốn xin nghỉ việc để về Việt Nam, công ty bắt Liên phải nộp 3.500 USD hoặc phải dụ dỗ được từ 3 đến 5 người sang làm cho công ty thì mới cho về nước. Không chịu đựng nổi, ngày 17/7/2022, Y Liên mượn điện thoại của một người Việt làm cùng, lén liên lạc cầu cứu gia đình. Qua công tác nắm tình hình địa bàn, Đồn Biên phòng Đăk Xú nắm được thông tin về sự việc của Y Liên nên đã báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum.
Ngày 11/8/2022, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum chỉ đạo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với lực lượng chức năng của BĐBP Tây Ninh và lực lượng chức năng của phía Campuchia triển khai các biện pháp nghiệp vụ giải cứu Y Liên. Trong thời gian này, Y Liên tiếp tục bị bán sang các công ty khác, nên lực lượng giải cứu phải bám sát hành trình bị mua bán của nạn nhân. Nơi cuối cùng Y Liên bị cưỡng bức lao động trước khi được giải cứu là công ty thứ 5, tại tỉnh Sihanouk, Campuchia, cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 470km về phía Nam.
Theo khuyến cáo của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Kon Tum), để dụ dỗ, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra chiêu trò với lời mời chào hấp dẫn như: Thu nhập ổn định; không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm; công việc nhẹ nhàng; visa chính ngạch; 6 tháng về nhà 1 lần và rất nhiều cam kết khác. Nhưng sự thật là rất nhiều trường hợp đã “vỡ mộng nơi xứ người”. Lao động Việt Nam đưa qua chủ yếu bị đưa vào các sòng bạc làm việc từ 15-16 giờ/ngày hoặc được giao các công việc lừa đảo qua mạng xã hội; chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập; nếu bỏ trốn sẽ tiếp tục bị đánh đập và bán sang cơ sở khác; muốn về nhà phải nộp tiền chuộc với giá không tưởng.
Để tránh bị lừa đảo, trở thành nạn nhân của thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cần cảnh giác, muốn tìm việc làm ở nước ngoài thì liên hệ với các đơn vị có chức năng chuyên môn, được Nhà nước cấp phép để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho bản thân. Cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. Ngoài ra, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen. Không sang Campuchia tìm việc làm thông qua các hoạt động tuyển dụng trên mạng; không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch.
Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ: Tại Campuchia, số điện thoại (00855) 0974.056.789; tại Việt Nam, Tổng đài Bảo hộ công dân: (0084) 0981.84.84.84.
Dương Nương