Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 11:08 GMT+7

Phía sau danh hiệu nghệ nhân ưu tú

Biên phòng - Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là sự động viên to lớn về mặt tinh thần đối với những người nắm giữ hồn cốt dân gian, những “báu vật sống” của buôn, làng. Tuy nhiên, phía sau hào quang danh hiệu, vẫn còn đó bao nỗi niềm trăn trở khi phần lớn các nghệ nhân tuổi đời đã cao nhưng vẫn nặng trĩu nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Các nghệ nhân cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời để họ tâm huyết cống hiến cho công tác bảo tồn, truyền dạy văn hóa. Trong ảnh: NNƯT Trương Sông Hương, dân tộc Thổ, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngọc Ánh

Nỗi niềm bày tỏ cùng ai?

Ông Trương Sông Hương, dân tộc Thổ, ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là một trong 617 nghệ nhân trong toàn quốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT đợt 1 năm 2015. Đón nhận danh hiệu NNƯT kèm theo số tiền thưởng hơn 10 triệu đồng, nghệ nhân Trương Sông Hương dự tính sẽ dành ra chút ít “vốn liếng” làm quỹ dự phòng khi ốm đau sẽ cần đến. Nhưng rồi khi có “tí chút danh hiệu”, bà con, họ hàng, những “nghệ sĩ cây nhà lá vườn” lần lượt đến chia vui, vậy là khoản “vốn liếng” cạn dần rồi hết sạch.

Nghệ nhân Trương Sông Hương cho biết, từ khi được phong tặng danh hiệu NNƯT, ông chưa được nhận thêm một khoản hỗ trợ nào ngoài số tiền 10 triệu đồng tiền thưởng theo quy định của Nhà nước. Từ hơn chục năm nay, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thổ huyện Quỳ Hợp, ông vẫn miệt mài truyền dạy văn hóa dân gian theo hình thức tự nguyện vì cộng đồng.

Đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Trương Sông Hương chưa bao giờ tính toán thiệt hơn khi bỏ công sức, thời gian và tiền bạc của gia đình để góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản của ông cha. Tuy nhiên, hiện tại, khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, ông không còn khả năng lao động sung sức như thời trẻ, cuộc sống sinh hoạt theo đó cũng chật vật hơn. Nghệ nhân Sông Hương bày tỏ: “Nhà nước đã có chính sách riêng cho NNƯT có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất mong các ban, ngành và chính quyền địa phương sớm nghiên cứu, triển khai để chúng tôi được hưởng khi còn sống. Có như vậy, các nghệ nhân mới có điều kiện yên tâm cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn văn hóa tại địa phương”.

Khó tiếp cận chính sách, triển khai chưa kịp thời

Để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân bảo đảm cuộc sống và cống hiến hết mình cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, Nghị định 109 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn theo 3 mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng, 800.000 đồng và 700.000 đồng đối với từng đối tượng.

NNƯT Sầm Văn Bình (bên trái) nhận hoa của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An nhân dịp được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghị định 109 có hiệu lực bắt đầu từ năm 2016, nhưng hầu hết các địa phương triển khai chậm, gây thiệt thòi cho các NNƯT. Tại tỉnh Nghệ An, có 39 NNƯT được vinh danh đợt 1 năm 2016, nhưng đến đầu năm 2019, một số nghệ nhân khó khăn mới được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 109. Số tiền hỗ trợ được chi trả dồn một cục vào cuối năm chứ không phải chi trả kịp thời hàng tháng. Tương tự, tỉnh Đắk Nông có 21 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT đợt 1 năm 2016, nhưng mãi đến năm 2020, một số nghệ nhân khó khăn mới được nhận tiền trợ cấp sinh hoạt hằng tháng.

Tỉnh Kon Tum hiện có 71 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Trong số này, chỉ có 41 nghệ nhân được xét hỗ trợ theo Nghị định 109, số còn lại không được nhận chế độ đãi ngộ, mặc dù cuộc sống của họ cũng rất khó khăn. NNƯT A Lễ (66 tuổi) ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được phong tặng danh hiệu NNƯT năm 2019 thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông bộc bạch: “Tôi năm nay cũng có tuổi rồi, không còn tham gia lao động, sản xuất được như trước nữa, nên gần như không có thu nhập. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Nếu không có hỗ trợ bằng tiền, tôi cũng mong muốn có được thẻ Bảo hiểm y tế để đỡ phần nào kinh phí mỗi khi khám, chữa bệnh”.

Trong đợt xét danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT đợt 1 cho trên 600 nghệ nhân trong toàn quốc, từ khâu gửi hồ sơ thẩm định đến khi có công bố chính thức, đã có 17/617 nghệ nhân chưa kịp nhận danh hiệu NNƯT thì đã... quy tiên.

Có một thực tế là thời gian không chờ đợi những nghệ nhân già. Bởi vậy, khi Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân theo Nghị định 109, các địa phương cần sớm triển khai để giúp các nghệ nhân giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Đừng để các nghệ nhân “về trời” rồi mới triển khai chính sách.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO