Biên phòng - Được một lần đến Thủ đô Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ là mơ ước của Hồ Thị Nghin, kể từ khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Em không ngờ rằng, chiếc xe đạp - quà tặng của những người lính Biên phòng Việt Nam không chỉ giúp đường đến trường dễ dàng hơn, mà còn mang đến cơ hội cho cô gái nhỏ này “đi xa” hơn thế.

Hồ Thị Nghin bé bỏng
Hồ Thị Nghin sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở bản giáp với đường biên giới Việt Nam - Lào mang tên La Lay A Sói (Cụm II, huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van, Lào). Bố Nghin là Hồ Thề, mẹ là Hồ Thị Thoa sinh được 6 người con nhưng thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào nương sắn. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu, không lao động được nhiều, nhà lại đông con nên cuộc sống vất vả, bữa cơm quanh năm đều độn với sắn và rau rừng. Người chị thứ 2 của Nghin ốm không có thuốc chữa nên mất khi còn nhỏ. Cũng vì không có tiền nên chị gái thứ 3 của Nghin phải bỏ học nửa chừng, đi lấy chồng và rồi cuộc sống chẳng khá khẩm gì khi quanh năm chỉ quanh quẩn với nương rẫy. Nhìn các con, ông Thề, bà Thoa hiểu rằng, chỉ có con đường đi học mới giúp thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng họ cũng đành “lực bất tòng tâm”.
Năm 2017, Hồ Thị Nghin học lớp 4, cũng là thời điểm Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Và sợi dây tình cảm, trách nhiệm giữa cô gái nhỏ và những người lính Biên phòng Việt Nam bắt đầu từ đây. Lần đầu tiên, Nghin nhận được nhiều quà đến thế, nào là gạo, mì tôm, sách vở và cả quần áo.
Không những vậy, hàng tháng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đều gửi 500.000 đồng để hỗ trợ Nghin ăn học. Với nhiều người, số tiền ấy không đáng là bao, nhưng với gia đình của Nghin thì có ý nghĩa rất lớn. Số tiền ấy có thể mua gạo, thực phẩm giúp Nghin được no cái bụng mà tới trường. Em không còn lo sợ phải bỏ học giữa chừng. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cửa khẩu tạm dừng xuất nhập cảnh phổ thông, thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay vẫn gửi tiền hỗ trợ kèm theo lương thực cho gia đình Nghin.
Khi được hỏi món quà nào khiến Nghin vui nhất, cô gái nhỏ bẽn lẽn nói, đó là chiếc xe đạp mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã tặng. Năm 2019, Nghin học lên cấp 2, trường học cách nhà gần 10 cây số. Các chú ở đồn Biên phòng đã mang đến cho cô trò nhỏ chiếc xe đạp mới tinh để con đường đến trường bớt vất vả. Mỗi lần sang thăm, những người lính lại mang ra kiểm tra, tra dầu mỡ, xiết chặt lại từng chiếc ốc, thay má phanh đã mòn...
Tuy nhiên, đường đất bám như keo nên năm 2021, chiếc xe đạp không đi được nữa. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay mua một chiếc xe khác cho Nghin. Và cứ như thế, nhờ nỗ lực của bản thân, lại có sự đồng hành của BĐBP Việt Nam, Hồ Thị Nghin đã trở thành một trong những học sinh hiếm hoi của bản học hết cấp 2 và giờ đã là nữ sinh lớp 10, Trường cấp 3 Sa Muồi. “Nếu không có xe đạp của các chú, các bác Biên phòng Việt Nam tặng, chắc cháu đã nghỉ học rồi vì nhà xa, không thể đi bộ đến trường mỗi ngày” - Hồ Thị Nghin nói.
Mãi mãi không bao giờ quên
Một lần tình cờ, Hồ Thị Nghin biết đến Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” do Tạp chí Thời đại phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức chào mừng “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam 2022”, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2022).
Hồ Thị Nghin đã viết những cảm nhận về sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã dành cho mình và gia đình. Tất cả những tình cảm ấy đã được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi BĐBP”. Với sự hỗ trợ của các chú phiên dịch Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, những xúc cảm, tâm tư của cô gái Lào đã được chuyển thể bằng tiếng Việt và được gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi.

Và tin vui đến bất ngờ khi Ban Tổ chức cuộc thi thông báo tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi BĐBP” của Hồ Thị Nghin đạt giải Ba, đồng thời đạt luôn giải Ấn tượng “Người trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi” cùng giấy mời nhận giải tại Thủ đô Hà Nội. Cả bản vui mừng, tự hào. Hồ Thị Nghin không giấu được niềm vui, niềm xúc động và mong muốn được đến Thủ đô Hà Nội nhận giải và thăm Lăng Bác Hồ, vì đó là ước mơ bấy lâu nay của em. Trước nguyện vọng của Nghin, chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã báo cáo, đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị lập kế hoạch đưa đón Hồ Thị Nghin đi nhận giải. Ngay sau khi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phê duyệt, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhanh chóng làm thủ tục xuất nhập cảnh cho Hồ Thị Nghin và bố đẻ, đồng thời, cử Đại úy Ngô Minh Trường đưa 2 cha con về Hà Nội.
Buổi sáng hôm ấy, Hồ Thị Nghin - một cô bé với nụ cười vô tư, trong sáng mang nét đẹp đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc Lào anh em được xướng tên lên nhận giải trong sự yêu mến của mọi người có mặt tại Hội trường trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trong niềm hân hoan ấy, Hồ Thị Nghin chia sẻ: “Cháu rất vui, rất tự hào khi được các chú Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhận đỡ đầu. Nhờ sự giúp đỡ ấy, gầm 10 năm qua, gia đình cháu đỡ khó khăn hơn, cháu được đến trường. Cháu tham gia dự thi một phần muốn thay cho lời cảm ơn. Lần này được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, được đón nhận tình cảm mà các bác, các cô, chú Việt Nam dành cho, cháu rất vui, hanh phúc và hứa sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ công của mọi người”.
Sau khi nhận giải thưởng, Hồ Thị Nghin cùng bố trở về nhà ở bản La Lay A Sói để tiếp tục chương trình học tập của mình. Cô gái nhỏ có biết bao nhiêu chuyện về những ngày ở Việt Nam, nhất là Thủ đô Hà Nội để có thể kể với mọi người. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục dõi theo quá trình trưởng thành của cháu, kịp thời giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để cháu được tới trường. Với chúng tôi, việc quan tâm, hỗ trợ cháu Nghin là một cách kết nối, vun đắt tình đoàn kết keo sơn Việt Nam - Lào và hơn cả, đó là tình cảm giữa con người với con người”.
Trúc Hà