Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Phía sau cái gọi là “Vương quốc Mông” (bài 4)

Biên phòng - Với ảo tưởng sẽ được các thế lực ở nước ngoài giúp đỡ, thời gian qua, một số đối tượng xấu trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã âm mưu thực hiện ý đồ thành lập “Vương quốc Mông”. Đây là hành động chống phá chính quyền, đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Thực hiện phương châm “ba bám, bốn cùng”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, BĐBP Điện Biên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng đập tan âm mưu, ý đồ đen tối thành lập “Vương quốc Mông”, giúp cho các đối tượng trót “nhúng chàm”, gây ảnh hưởng xấu tới chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh giấc u mê trước khi quá muộn.

Bài 1: Vàng Pao và giấc mơ làm thủ lĩnh “Vương quốc Mông”

Bài 2: Nhận diện các tổ chức phản động lợi dụng người Mông

Bài 3: Chiêu trò lừa phỉnh, “lập lờ đánh lận con đen”

Bài 4: Khốn khổ vì “Vương quốc Mông”

Mù quáng tin theo những lời dụ dỗ, kêu gọi thành lập “Vương quốc Mông”, không ít người dân Mông chân chất đã bỏ gia đình, quê hương, bản quán vượt biên sang bên kia biên giới. Họ ra đi với niềm tin mãnh liệt sẽ được sống sung sướng, không phải làm mà vẫn có ăn. Chỉ khi trải nghiệm những ngày tháng đói khổ, đau ốm triền miên, họ mới giật mình tỉnh ngộ. Hóa ra, tất cả chỉ là trò lừa bịp, chỉ có quê hương mới là nơi yên ấm nhất.

j1cn_19b
Sau khi trở về địa phương, hiện nay, vợ chồng Vừ A Quyền sống yên ổn, hạnh phúc tại quê nhà. Ảnh: TTH

Niềm tin mù quáng

Cuối năm 2010, Vừ A Quyền, ở bản Hin Pon, xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên lặng lẽ cùng vợ và một người em vượt biên trái phép đi theo tiếng gọi từ bên kia biên giới mà không biết rằng mình sắp rơi vào một quãng đời khốn khổ. “Họ bảo tôi ở bên đó sống nhàn nhã, không phải vất vả như ở nhà. Tôi xuôi tai nghe theo họ mà không nói với mẹ già một tiếng vì biết rằng bà sẽ không cho đi” – Quyền kể cho chúng tôi nghe lý do “xuất ngoại” của mình mà mỗi lần nhớ lại, người đàn ông này vẫn rùng mình sợ hãi: “Những ngày đầu về Việt Nam, tôi không ngủ yên, luôn bị giật mình vì những giấc mơ hão huyền về cuộc sống bên kia biên giới”. Quyền bảo, thỉnh thoảng vẫn mơ thấy những ngày đói khổ ở xứ người vì nó quá ám ảnh. 

Nhóm của Quyền trốn nhà đi từ lúc nửa đêm, theo đường rừng sang biên kia biên giới. Đúng như lời hẹn, họ được đón lên xe ô tô đến một nơi hoang vu, hẻo lánh. Ngay khi đến nơi, nhóm của Quyền bị tách làm đôi. Quyền và em họ khi đó 18 tuổi bị xua vào một nơi sống tập trung.

“Ở đó có 30-40 người, cả ngày và đêm đều có người canh gác, không ai được ra ngoài. Hai anh em tôi được phát một bộ quần áo. Chúng tôi phải dậy từ lúc 5 giờ sáng tập đi “một hai” và tập bắn súng. Họ cho chúng tôi ăn cơm với ớt, lâu lắm mới được ăn ít thịt. Ai tìm được rau gì thì ăn rau đó” - Quyền mô tả - “Trên ống tay chiếc áo họ cấp cho tôi có một ô hình vuông, bên trong thêu thanh kiếm và chiếc gậy gác chéo nhau, phía dưới hình con rồng đỏ. Mũ có hình sao 5 cánh”.

Còn vợ Quyền bị người ta đưa đi cạo mủ cao su, bẻ bắp. Thỉnh thoảng, Quyền mới được gặp vợ. Bản thân Quyền quá sốc vì phải xa người vợ mới cưới, lại sống trong đói khổ, sợ hãi. Quyền cho biết: “Trong thời gian huấn luyện, tôi chứng kiến có 2 người khổ quá, không chịu được đã bỏ trốn. Họ bị bắt lại, phải đeo cái xích to và bị đánh đập rất tàn nhẫn. Tôi sợ quá nên bàn với em phải trốn đi, chết ở đâu đó còn hơn là chết ở đây”.

3 người họ bỏ trốn trong đêm tối, chạy bán sống, bán chết, không dám ngoái đầu lại nhìn. “Có lúc đói lả, kiệt sức, chúng tôi vẫn phải bò đi tiếp” – Quyền kể. Cuối cùng, sau 2 tháng ròng vừa đi, vừa tìm đường về, 3 người họ đã về tới Việt Nam. “Lúc về tới nhà, tôi mới chắc là mình còn sống. Chỉ có quê hương mới là nơi yên ấm nhất” – Quyền nói chắc nịch.

Sự hối hận muộn màng

Cũng với niềm tin mù quáng, Sùng A Dia, sinh năm 1983, trú tại bản Suối Khang, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và Lý A Dờ, sinh năm 1991, trú bản Sín Chải, xã Pa Vậy Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vượt biên đi theo lời kêu gọi thành lập “Vương quốc Mông”. Và cái giá phải trả của họ là những năm tháng ăn năn trong tù.

Cuối tháng 12-2016, BĐBP Điện Biên bắt Dia và Dờ khi cả hai đang vượt biên trái phép từ Lào về Việt Nam mang theo nhiều vũ khí, đạn và thiết bị liên lạc. Qua điều tra, xác minh, 2 đối tượng này cùng một số người Mông nghe theo luận điệu tuyên truyền sang Lào tham gia tổ chức, lập “Vương quốc Mông”, được trả tiền lương, khi thành công sẽ được cấp nhiều đất và đưa cả gia đình sang sinh sống. Chúng vượt biên sang Lào từ năm 2014, tham gia toán phản động do Mùa A Kỷ, trú tại huyện Bắc Yên và Vàng A Lầu, trú tại huyện Phù Yên, Sơn La cầm đầu. Nhóm này lẩn trốn trong rừng sâu, trang bị nhiều vũ khí như súng CKC, AK, M79, mìn, thực hiện các hoạt động, chống phá chính quyền Lào và cướp bóc để sinh tồn.

Nhóm của Dia và Dờ được giáo huấn “phải góp sức thành lập quân đội nhằm đấu tranh giành lại đất đai. Khi có đất, thành lập được “Vương quốc Mông” rồi sẽ chia đất cho mọi người...”. Cùng với những lời khích lệ tinh thần là sự đe dọa: “Đã sang đây tham gia thành lập “Vương quốc Mông” thì có khó khăn, vất vả như thế nào cũng phải ở lại, nếu ai bỏ về sẽ bị bắn chết...”.  

Theo lời khai của Dia và Dờ, 5 tháng đầu tiên, cả nhóm được huấn luyện bắn súng và cách thức vận động, liên lạc, tập hợp lực lượng trong rừng khi bị công an Lào truy quét. Hằng ngày, ngoài lực lượng canh gác, số còn lại chia nhau đi kiếm thức ăn trong rừng hoặc ăn trộm lương thực tại các lán nương của người dân, thậm chí, phải đi cướp xe khách để có tiền mua đồ ăn. 

Tháng 4-2019, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên tiếp tục tiến hành bắt giữ, điều tra, khởi tố 23 đối tượng có liên quan đến hoạt động thành lập nhà nước “Vương quốc Mông”, chống phá chính quyền. Hiện, lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra vụ án, sớm đưa ra xét xử các đối tượng trước pháp luật.

Sau khi bắt giữ Dia và Dờ, BĐBP đã điều tra, xác định có 26 đối tượng, trong đó có 21 đối tượng người Mông Việt Nam tham gia hoạt động thành lập “Vương quốc Mông”, chống chính quyền địa phương tại khu vực rừng giáp ranh tỉnh Xiêng Khoảng và Xay Sổm Bun, Lào. Nhóm vũ trang này đã tiến hành nhiều vụ tập kích, phục kích làm chết một số cán bộ công an, bộ đội và dân thường của nước bạn Lào.

Cuối năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã xét xử 13 đối tượng người Mông Việt Nam tham gia hoạt động trong nhóm này. Với hành vi "Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân", Dia và Dờ bị phạt 8 năm tù giam. 

Câu chuyện của Dia và Dờ cho thấy bản chất lừa gạt của các ổ nhóm phản động kêu gọi thành lập “Vương quốc Mông”. Hoạt động của chúng thực chất là cướp bóc, bạo loạn, chống đối chính quyền sở tại, gây rối loạn an ninh trật tự, kích động ly khai để lập “Vương quốc Mông”. Thực tế, đây không phải là thủ đoạn mới, tuy nhiên, nhiều người Mông do nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết vẫn bị dụ dỗ, làm theo. Bản án dành cho Dia và Dờ cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người Mông khác đang bị mê hoặc đi theo giấc mơ hão về “Vương quốc Mông”.

Bài 5: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ổn định vùng người Mông

Trần Đức - Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO