Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 08:48 GMT+7

Phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là mục đích của cuộc gặp Mỹ-Triều

Biên phòng - Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đang có những bước tiến lớn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, cuộc gặp này chỉ diễn ra với điều kiện là Bình Nhưỡng không được tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa.

5aa644c5471e3c5ea5000aef
Dư luận thế giới chờ đợi cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ vào tháng 5 tới. Ảnh: lejdd.fr

Ngày 10-3, Nhà Trắng đã xác nhận Tổng thống Donald Trump chấp nhận lời mời gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo AP, Tổng thống Donald Trump tin rằng, Triều Tiên "muốn kiến tạo hòa bình", đồng thời dự báo cuộc gặp đã được nhất trí giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 5 tới sẽ đạt "thành công lớn".

Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày 11-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nêu rõ: "Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng điều kiện là không có vụ thử hạt nhân và tên lửa. Đây sẽ là điều kiện cho cuộc gặp này". Ông nhấn mạnh, dù Tổng thống Mỹ đang sử dụng biện pháp ngoại giao song Washington sẽ không dỡ bỏ chiến dịch gây sức ép tối đa và các biện pháp trừng phạt vẫn đang được tiếp tục. Theo Bộ trưởng Mnuchin, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là mục đích của cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều và ông tự tin về khả năng cuộc gặp sẽ diễn ra.

Nhận định về sự kiện này, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12-3, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho rằng, Triều Tiên dường như cần nhiều thời gian hơn và vẫn thận trọng trong việc thông tin về các cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Hàn Quốc và Mỹ khi truyền thông chính thức của Triều Tiên chưa đăng tải bất kỳ thông tin nào về sự kiện này. Theo ông Baik Tae-hyun, Bình Nhưỡng dường như đang tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng và họ cần thời gian để định hình quan điểm. Ông Baik Tae-hyun cho biết, hiện Seoul đang nỗ lực thành lập một ủy ban chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, dù hai bên vẫn chưa khởi động các cuộc tham vấn cấp chuyên viên. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2000.

Cùng ngày, đảng Hàn Quốc tự do (LKP) đối lập chính cũng bày tỏ quan ngại khi cho rằng, đã có sự "lạc quan thiếu cơ sở" về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Theo LKP, vẫn còn những điều khó có thể đoán định, vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc cần quản lý tốt tình huống thay vì thái độ lạc quan thuần túy. Dự kiến, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha sẽ tiến hành đối thoại với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại thủ đô Washington (Mỹ) trong tuần này, nhằm thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh đã được lên kế hoạch giữa lãnh đạo hai nước này với lãnh đạo Triều Tiên.

Về phần mình, phía Trung Quốc cho rằng, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cần được giải quyết một cách hòa bình. Ngày 12-3, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao hiện nay nhằm mục đích tìm ra sự đột phá trong bế tắc hạt nhân thông qua đối thoại.

Ông Dương Khiết Trì nêu rõ: “Trung Quốc cam kết tiến hành các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Những diễn biến đáng chú ý trên Bán đảo Triều Tiên dường như phù hợp với các nỗ lực đưa khu vực đi đúng hướng và phù hợp với đường hướng trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Quan chức Trung Quốc này nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực toàn cầu nhằm theo đuổi giải pháp “chính trị” và “ngoại giao”.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO