Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 04:16 GMT+7

Phép thử đối với khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung

Biên phòng - Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế; đồng thời, là phép thử đối với khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung giữa các nước. Thảo luận về vấn đề này, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức trong tuần qua đã có nhiều đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy hợp tác biển tại Biển Đông và hợp tác khu vực nói chung. 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Thu

Hội thảo có các phiên thảo luận gồm: Vấn đề Biển Đông trong tình hình thế giới đầy biến động; Vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025; Tranh luận pháp lý bằng Công hàm tại Liên hợp quốc; Cạnh tranh định hướng công luận về Biển Đông và vai trò của báo chí; Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; Nguồn cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên cá; Nghiên cứu khoa học biển; Phát triển tài nguyên biển bền vững và Phiên đặc biệt cho phép giới trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, để cùng nhau đi qua những thử thách trong vấn đề Biển Đông, các nước cần tăng cường đối thoại, đẩy mạnh hợp tác hơn nữa để có thể đưa ra những giải pháp hòa bình giải quyết khác biệt và tranh chấp trên Biển Đông dưa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Có như vậy, Biển Đông mới trở thành vùng biển của sự kết nối, hợp tác. Các nước cần chủ động tránh các nguy cơ va chạm trên biển, phối hợp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục nghiên cứu về sự phát triển bền vững ở Biển Đông; giải quyết một cách hòa bình các yêu sách nảy sinh trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh tại khu vực; đồng thời, kêu gọi các nước ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhất trí việc ASEAN đang có cách tiếp cận chiến lược chung đối với các vấn đề an ninh biển khu vực. Ngoài ra, các nước cần thúc đẩy, tạo điều kiện để ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không thực hiện các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng của Biển Đông. Đặc biệt, các nước cần đề cao, tôn trọng sự toàn vẹn, giá trị thống nhất và phổ quát của UNCLOS 1982 và tôn trọng quyền lợi hợp pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông.

Thảo luận tại hội thảo, các học giả đánh giá, trong năm nay, ASEAN đã có cách phản ứng theo hướng kiềm chế, không làm căng thẳng ở Biển Đông, không khiến cho tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Bởi, các nước ASEAN cần tập trung phòng, chống dịch Covid-19, duy trì chuỗi sản xuất cung ứng và phục hồi nền kinh tế trong nước. Theo các học giả, thời gian tới, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giữ vững vị thế trên thế giới trong bối cảnh các nước lớn tiếp tục canh tranh gay gắt.

Đồng thời, ASEAN cũng cần thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở luật pháp quốc tế; trong đó, UNCLOS 1982 được coi là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên vùng biển và đại dương. Có một số học giả nêu ý kiến rằng, nguyên tắc đồng thuận của ASEAN cần được tối ưu hóa hơn nữa; cơ chế tiểu đa phương giữa các nước chủ chốt của ASEAN cũng cần được thúc đẩy để hợp tác khu vực đạt hiệu quả hơn. Để tiếp tục hợp tác biển đa phương, ASEAN cũng cần tăng cường, thiết lập các thiết chế riêng, tiến tới một tuyên bố lập trường chung về Biển Đông nếu có cùng quan điểm trong các vấn đề pháp lý.

Trong phiên chủ đề về “Tranh luận pháp lý bằng công hàm tại Liên hợp quốc trong vấn đề Biển Đông”, hầu hết các học giả khẳng định, UNCLOS 1982 là văn bản pháp luật quốc tế có giá trị phổ quát, toàn diện, có phạm vi điều chỉnh rộng tới tất cả các vấn đề trên biển. Theo nhận định của các học giả, các công hàm, công thư trao đổi của các nước tại Liên hợp quốc đã phần nào làm rõ, củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan về vấn đề Biển Đông.

Trên thực tế, trong năm qua, đã có một số nước như Australia, Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các yêu sách về vấn đề Biển Đông. Các cuộc tranh luận bằng công hàm được đánh giá là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và minh bạch bởi công hàm được công bố công khai với người dân các nước trên thế giới. Những công hàm pháp lý này được các học giả nhấn mạnh là cơ sở tham khảo cho các bên trong đàm phán COC.

Đối với vấn đề “phòng tránh nguy cơ đụng độ trên biển”, các học giả cho rằng, thời gian qua đã xảy ra một số vụ đụng độ đáng tiếc giữa các lực lượng chấp pháp của các nước láng giềng, nhất là tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển. Thời gian tới, một số học giả nhận định nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển sẽ ngày càng lớn, do các cường quốc gia tăng cạnh tranh. Do vậy, để tránh nguy cơ đụng độ, ngoài việc tuân thủ UNCLOS 1982, các nước cần gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển như Quy tắc Quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG), Công ước về ngăn chặn những hành vi trái pháp luật chống lại an toàn của những giàn khoan cố định ở thềm lục địa (SUA) và Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS).

Năm nay, hội thảo có sự tham gia của hai quan chức cấp cao quốc tế, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan và Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS). Bộ trưởng Harjit Sajjan nhấn mạnh rằng, Canada đoàn kết nhất trí với ASEAN trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế; đồng thời kêu gọi tất cả các nước tuân thủ UNCLOS 1982. Còn Đô đốc Juergen Ehle cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đề cao tính phổ quát và nhất quán của UNCLOS 1982, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. EU ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nếu kết quả thương lượng công bằng, hợp lý, trên cơ sở hài hoà lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Có thể nói, qua Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 đã đưa ra được nhiều ý kiến thiết thực, thảo luận các chủ đề cấp bách, tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối giữa kênh chính thức và bán chính thức, góp phần tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào hòa bình, hợp tác trên Biển Đông.

Thu Minh

Bình luận

ZALO