Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 04:45 GMT+7

“Phên giậu” của lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc

Biên phòng - Trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố biên giới, BĐBP được coi là “phên giậu” của lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc. Do đó, sử dụng BĐBP trong KVPT nói riêng phải phù hợp với tổ chức, biên chế, khả năng trang bị mới phát huy được sức mạnh tổng hợp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Thiếu tướng Đặng Quang Minh, Phụ trách Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

1xrp_20
Thiếu tướng Đặng Quang Minh. Ảnh: V.Anh

- Thưa Thiếu tướng, đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng BĐBP trong KVPT tỉnh, thành phố biên giới hiện nay? 

- KVPT tỉnh, thành phố được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nằm trong hệ thống phòng thủ chung của các quân khu và cả nước, là bộ phận hợp thành của nền quốc phòng toàn dân và giữ vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước, là một thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi, nhiệm vụ do pháp luật quy định và là thành viên trong KVPT tỉnh, thành phố biên giới. 

Trong KVPT tỉnh, thành phố biên giới, BĐBP có vai trò hết sức quan trọng làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tác chiến trong KVPT; xây dựng và bố trí hệ thống đồn, trạm Biên phòng phù hợp hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và sẵn sàng chiến đấu; duy trì pháp luật của Việt Nam phù hợp với tập quán, luật pháp và các điều ước quốc tế có liên quan trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống hoạt động gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm biên giới, xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc ở khu vực biên giới (KVBG) bằng biện pháp phi vũ trang; phòng, chống các tình huống an ninh phi truyền thống ở KVBG; phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, ly khai trên các tuyến biên giới và phòng, chống hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, gây xung đột biên giới cục bộ bằng biện pháp vũ trang.

- Ngoài nhiệm vụ chuyên trách ở KVBG, lực lượng BĐBP đóng vai trò như thế nào trong phòng, chống bạo loạn lật đổ ở KVBG, thưa đồng chí?

- Địa bàn biên giới là nơi có địa hình hiểm trở, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và điều kiện thuận lợi cho các lực lượng lưu vong xâm nhập móc nối với bọn phản động ở trong nước. 

Trong những năm qua, BĐBP đã làm tốt công tác phòng, chống hoạt động gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bạo loạn lật đổ ở KVBG, cụ thể là: BĐBP tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình địa bàn và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng từ sớm, từ xa; duy trì lực lượng quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở qua lại biên giới, nhất là tại các địa bàn, khu vực trọng điểm.

BĐBP kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ; xử lý có hiệu quả hành vi xâm phạm biên giới, lợi ích quốc gia - dân tộc ở KVBG; đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động lôi kéo tập hợp lực lượng dưới các chiêu bài về “chủ quyền lãnh thổ, tình hình Biển Đông”, “chống tham nhũng”, đòi “dân chủ”, “nhân quyền”; đòi tự do tôn giáo, thành lập “nhà nước tự trị” và yêu cầu lực lượng quốc tế can thiệp, bạo loạn vũ trang hoặc tạo cớ để nước ngoài tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm thay đổi chế độ XHCN ở nước ta. 

Bạo loạn ở KVBG có thể bắt đầu từ những vụ gây rối, biểu tình của một số phần tử cốt cán và một nhóm nhân dân trong đồng bào các dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin bị lôi kéo, mua chuộc, phát triển thành bạo loạn chính trị hoặc bạo loạn vũ trang kết hợp với hành động quân sự đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong KVPT. Vì vậy, lực lượng BĐBP cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện hoạt động của bọn phản động, không để nảy sinh các nguyên nhân, điều kiện mà bọn phản động có thể lợi dụng. 

18e
Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng phối hợp với dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: N.Minh

- Theo đồng chí, việc sử dụng lực lượng BĐBP cùng với các đơn vị Quân đội trên địa bàn biên giới khi có “tình huống” xảy ra cần chú ý những vấn đề gì?

- Với chức năng, nhiệm vụ được giao, BĐBP phải đặt nhiệm vụ tác chiến chống địch tiến công xâm lược lên hàng đầu, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Khi xảy ra “tình huống”, dưới sự chỉ huy thống nhất của Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh BĐBP, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố, BĐBP tỉnh, thành phố dựa vào hệ thống công sự trận địa trong thế trận, phối hợp với các lực lượng trong KVPT tổ chức lực lượng chiến đấu nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, kìm giữ từng bước tiến của địch. Đồng thời, dựa vào thế trận KVPT tỉnh, huyện biên giới và thế trận biên phòng toàn dân; quản lý, nắm chắc tình hình địa bàn, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng từ sớm, từ xa; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các phương án tác chiến, chuẩn bị chu đáo mọi mặt, chủ động đối phó với các tình huống ở KVBG, nhất là ở các địa bàn, khu vực trọng điểm. 

Bên cạnh đó, BĐBP cần vận dụng linh hoạt các hình thức và biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trong đó, giải quyết các “tình huống” phải linh hoạt, khôn khéo phù hợp với đặc điểm, tình hình, tổ chức, biên chế, trang bị và chức năng nhiệm vụ của mỗi lực lượng trong thế trận phòng thủ chung của địa phương...

- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng! 

Sử dụng lực lượng BĐBP trong khu vực tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới là tổng thể các hình thức, biện pháp hoạt động có vũ trang hoặc không vũ trang dựa vào thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trong KVPT, dưới sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự chỉ huy, chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh BĐBP và Chỉ huy trưởng KVPT tỉnh. 

Mai Anh (thực hiện)

Bình luận

ZALO