Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 12:14 GMT+7

Phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Tỉnh Nghệ An có gần 39% dân số sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, xã hội. Những kết quả đạt được đã góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An.

Bà con DTTS khu vực biên giới Nghệ An bán nông sản cho khách du lịch để tăng thêm thu nhập cho gia đình (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Bích Nguyên

Giữ vững an ninh chính trị

So với mặt bằng chung, khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Nghệ An còn rất khó khăn, địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông kém phát triển, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo tìm cách mua chuộc, kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân gây rối an ninh, trật tự ở một số địa bàn. Tình trạng di cư tự do, khai thác lâm sản trái phép; tình hình an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy vẫn còn xảy ra.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An và Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp triển khai có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác nhằm củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội. Với mục tiêu tăng cường “sức mạnh” cho hệ thống chính trị cơ sở, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tham mưu cho HĐND tỉnh chủ trương cơ cấu cán bộ đồn Biên phòng (BP) tham gia HĐND các huyện, xã biên giới đất liền.

Kết quả, nhiệm kỳ 2016-2021, có 1 đồng chí cán bộ BP là đại biểu HĐND tỉnh, 18 đồng chí là đại biểu HĐND cấp xã. Nhiệm kỳ 2021-2026, có 2 đồng chí cán bộ BP tham gia HĐND cấp huyện, 25 đồng chí là đại biểu HĐND xã. Đội ngũ cán bộ, đảng viên BĐBP cũng tham gia củng cố các chi bộ yếu kém, phát hiện nguồn và bồi dưỡng, kết nạp hàng trăm đảng viên là người DTTS cho các chi bộ thôn, bản biên giới.

Trên cơ sở nắm sát tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của người dân, các cán bộ BP đã tham mưu thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn, nhất là liên quan đến quốc phòng, an ninh. Với sự góp sức của cán bộ BP, chất lượng công tác của cấp ủy, chính quyền các xã biên giới được nâng lên rõ rệt. Kết quả xếp loại hàng năm của HĐND, UBND các xã biên giới, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày càng cao, giảm tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ, không có HĐND, UBND không hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với việc chung tay xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, chi bộ thôn, bản biên giới, BĐBP Nghệ An đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời phối hợp, tham mưu cho địa phương các xã biên giới giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư, không để phát sinh những mâu thuẫn, tạo điểm nóng trên KVBG.

Tích cực triển khai toàn diện các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh với hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo Tin lành trái phép, tranh thủ các già làng, người có uy tín vận động nhân dân định canh, định cư, ổn định cuộc sống, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông di cư sang Lào tham gia hoạt động phỉ, thành lập “Nhà nước Mông”. Nhờ đó, tình hình di dịch cư tự do đã được ngăn chặn, đẩy lùi, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội KVBG được giữ vững.

Thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo

Người dân KVBG tỉnh Nghệ An sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, năng suất nuôi trồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ hộ nghèo ở đây khá cao. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn, những người lính BP Nghệ An nhận thấy, nhiều hộ đói nghèo do không có nguồn vốn, thiếu sức lao động hoặc chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trao tặng lợn giống cho người nghèo trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

Qua việc tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, các loại cây trồng, vật nuôi đặc hữu của địa phương, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan xây dựng 43 mô hình giúp người dân phát triển kinh tế. Trong đó, đề án “Chăn nuôi lợn nái sinh sản ở địa phương cho người nghèo nơi biên giới” phát huy hiệu quả rất cao. BĐBP Nghệ An trực tiếp gây dựng các cơ sở chăn nuôi lợn nái tại các đồn BP để sản xuất con giống cung cấp cho các hộ dân nghèo trên địa bàn. Mỗi hộ được tặng một cặp con giống để phát triển đàn lợn trong gia đình, sau đó xuất bán lợn thịt.

Đến nay, BĐBP Nghệ An đã cấp 1.289 con lợn giống cho 487 hộ dân, giúp họ từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Với sự trợ lực từ BĐBP, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, thực hiện mô hình vườn - ao - rừng - chuồng, vươn lên làm giàu.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An còn tự nguyện đóng góp hơn 2 tỷ đồng, tặng hơn 4.100 suất quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn KVBG. Đồng thời, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, các cháu học sinh nghèo trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An, với tổng trị giá quà và tiền mặt gần 50 tỷ đồng.

Một trong những chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà BĐBP Nghệ An đang thực hiện là “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP”. Thông qua chương trình, hơn 100 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có cả trẻ em KVBG nước bạn Lào được đỡ đầu với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP Nghệ An còn nhận nuôi các cháu học sinh mồ côi, không nơi nương tựa, tạo dựng mái ấm gia đình đúng nghĩa cho các cháu phát triển toàn diện. Việc làm này đã góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho KVBG tỉnh Nghệ An.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO