Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Phát triển thương hiệu “Thành phố di sản văn hóa” của Huế

Biên phòng - Tháng 10-2019, tại một diễn đàn hội thảo xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, vấn đề xây dựng thương hiệu “Thành phố di sản văn hóa” cho TP Huế một lần nữa được đặt ra như một mục tiêu hướng tới, trong đó nhấn mạnh khả năng Huế đi tới phát triển toàn diện nhờ nền tảng văn hóa. Vậy, đâu là tài sản văn hóa “làm giàu” cho Huế ngoài nét đẹp cố đô?

tc3h_8a
Gánh hàng rong qua đại nội cố đô - một nét đời thường của TP Huế. Ảnh: TTH

Năm 2014-2015, TP Huế từng được nhận danh hiệu “Thành phố văn hóa ASEAN” sau khi Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật ASEAN nhóm họp và trao danh hiệu này cho thành phố. Với di sản lịch sử, đời sống thị dân, nghệ thuật kiến trúc phong phú, đặc sắc, TP Huế được đánh giá là có khả năng chia sẻ văn hóa của mình với khu vực, biến nơi này thành điểm gặp gỡ của cộng đồng ASEAN, lưu giữ lại vốn văn hóa đặc sắc của vùng, đồng thời, đóng góp vốn văn hóa vào phát triển khu vực ASEAN phồn thịnh và giàu bản sắc riêng.

Danh hiệu này giúp quảng bá không chỉ các điểm du lịch, các di tích lịch sử, mà cả sức sáng tạo, tài năng của người Huế để từ đó phát triển nguồn lực con người làm văn hóa du lịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Huế từng được tôn vinh với nhiều danh hiệu mà bất kỳ thành phố nào cũng phải mơ ước như “Thành phố Festival đặc trưng”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”... nhưng cho đến thời điểm hiện nay, môi trường đầu tư của Huế vẫn chưa thực sự có sức bật. 

Mỗi kỳ lễ hội, sự kiện quốc tế, khu vực và festival cứ đến ồn ào náo nhiệt rồi qua đi, Huế lại bao phủ bởi không khí bình lặng, chậm rãi và có phần tẻ nhạt, không thực sự phù hợp với đời sống du lịch đang tiến triển với tốc độ nhanh và đa dạng. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, điều cốt lõi để Huế trở thành "Thành phố di sản quốc gia" là người dân Huế phải có đời sống khá giả, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Bản thân người Huế phải là những thực thể văn hóa cao, một hình mẫu về văn hóa mới có thể nhân rộng và giữ gìn di sản văn hóa cho hồn cốt văn hóa của Việt Nam, cho khu vực ASEAN và cho thế giới. 

Phần lớn các di sản văn hóa và phong vị Huế xưa đều nằm ở đời sống. Hệ thống lăng tẩm, đền đài, kinh đô cũ sẽ vô hồn nếu như không có phần hồn cốt ở trong chính những con người đất cố đô. Họ lưu giữ một phần thói quen, nếp sống, cách nghĩ, bóng dáng của lịch sử và sự lý giải thế thái nhân sinh của vùng đất đặc biệt trung tâm miền Trung Việt Nam. 

Để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ lớn của cả nước, Thừa Thiên Huế đã xác định mục tiêu và định hướng phát triển trong giai đoạn tới là trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan. Mục tiêu này đã rõ để Huế hướng mũi nhọn vào du lịch văn hóa. 

TP Huế sẽ thân thiện với môi trường và là thành phố thông minh dựa trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đề cao sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên và con người Huế. Điều này giúp Huế tránh được những sai lầm khi giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững. 

Không phải ngẫu nhiên mà thành phố này được gọi là Thành Huế - một thuật ngữ định danh trong văn chương và âm nhạc. Những cụm từ bao gồm cả sắc thái như người Huế, kiến trúc Huế, nhà vườn Huế, món ăn Huế, màu tím Huế, nón lá Huế, giọng Huế, ca Huế đều đã trở thành vốn văn hóa của Huế. Cái hài hòa, êm đềm của phong cảnh Huế đã ăn nhập vào con người Huế nhuần nhị và sâu lắng. Các nhà quản trị xã hội muốn đưa những đặc sản Huế này vào phát triển kinh tế - du lịch, xây dựng Huế trở thành thành phố thông minh mà không nơi nào có được. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hướng đi của Huế sẽ là thành phố di sản cấp quốc gia và hướng đến tầm khu vực, trên thế giới, nhưng quy chế phát triển đô thị cũng như Luật Di sản văn hóa chưa có định chế về tiêu chí này. Do đó, cơ chế riêng và đặc thù dành cho Huế của miền Trung và của cả nước chưa có. Muốn bảo tồn phong vị Huế - một khái niệm rất trừu tượng thì cũng phải có cơ chế phát triển và bảo tồn riêng, không thể bắt chước hoặc áp dụng lý thuyết cứng nhắc nào. 

Trong cơ chế đó, mục tiêu nào được ưu tiên, bảo tồn văn hóa hay phát triển kinh tế, đó là một bài toán hóc búa. Mặc dù những phương án trên giấy đều đã hình thành, nhưng hiện tại, Huế cứ động đến đâu là “mất nét” đến đó. Xu hướng làm nhòa đi, làm tầm thường hóa các danh thắng, di sản văn hóa đang chạm đến tất cả các di sản vật thể của Huế. Hàng loạt các đền đài, lăng tẩm, chùa, nghè, nhà rường... được hạ giải để làm mới. Kiến trúc dù mô phỏng y hệt như cũ, nhưng hồn cốt đương nhiên không còn nữa, chỉ là một công trình mới vô hồn. 

Thương hiệu “Thành phố di sản văn hóa” của Huế đã đến lúc phải được coi như một tài sản quý cho mục tiêu phát triển toàn diện. 

Thụy Văn

Bình luận

ZALO