Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 02:35 GMT+7

Phát triển thị trường xuất khẩu mới

Biên phòng - Bước sang năm 2023, cùng với việc giữ vững thị trường truyền thống, Bộ Công thương chủ trương phát triển các thị trường mới, mặt hàng mới để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn đến người tiêu dùng trong phạm vi toàn thế giới.

Ảnh: minh họa

Sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam về đích với con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế...

Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) với nòng cốt là hơn 100 đề án XTTM triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới, hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện XTTM và hàng triệu lượt doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện XTTM.

Hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bao gồm 61 thương vụ, chi nhánh thương vụ đã phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Tiêu biểu như tổ chức hoạt động XTTM trực tiếp kết nối khách hàng xuất khẩu; kết nối nhà cung cấp địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu; tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho địa phương, doanh nghiệp; phát triển và quảng bá thương hiệu quốc gia...

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, thương mại toàn cầu bộc phát nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới. Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh giảm sút rõ rệt.

Bởi, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong khi đó, những “cú sốc” về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu như dệt may, da giày…

Dù vậy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ mở lớn, có nhiều FTA đã ký kết và có hiệu lực, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường, Bộ Công thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 khoảng 6% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 393-394 tỷ USD.

Muốn vậy, các cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần có chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho từng nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Song song với việc hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, khai thác lợi thế từ các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam, cần khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng như khu vực Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO