Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 04:38 GMT+7

Phát triển rừng chè gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Biên phòng - Vào những ngày cận Tết, khi hoa đào bắt đầu lún phún nở, người dân xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn tất bật lên nương thảo quả để chuẩn bị mùa thu hoạch cuối vụ. Nhiều năm nay, người dân nơi đây vui mừng khi có thêm một nguồn thu nhập mới, đó là rừng chè cổ thụ trên đỉnh núi Mồ Sì San.

u402_12a
Rừng chè cổ thụ trên đỉnh núi Mồ Sì San. Ảnh: Kim Nhượng

Xã Mồ Sì San tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô, Giáy, Dao và người Kinh sinh sống. Nơi đây địa hình núi đá cao, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng, cũng chính vùng đất này lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng những sản vật đầy tiềm năng, giúp người dân làm giàu trên vùng đất khó. 

Đó là những nương thảo quả quanh năm tươi tốt, cùng vườn sâm quý trên dãy núi có độ cao hơn 3.000m so với mặt nước biển. Đặc biệt, người dân nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng khu rừng chè cổ thụ với tuổi đời lên tới trên 1.000 năm. Người dân trong vùng cũng có ý thức bảo tồn, nhân rộng, khai thác để đưa chè cổ thụ trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương kết hợp với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Anh Chẻo Phủ Viên, Giám đốc Hợp tác xã Biên Cương, tại bản Tẩn Seo Phìn hồ hởi dẫn chúng tôi lên tham quan rừng chè nằm chót vót trên đỉnh núi cao. Anh nói với tâm trạng đầy vui sướng: “Ước mơ của tôi cách đây gần 2 năm đã thành hiện thực rồi, anh ạ”. Hỏi ra mới hay, trong vòng chưa đầy 2 năm, anh Viên đã cùng với một số hộ trong bản xin phép chính quyền địa phương thành lập hợp tác xã, thu mua chè tươi từ người dân, sau đó, tự anh cùng người dân trong bản sao và bán chè khô ra thị trường. Hợp tác xã Biên Cương mới thành lập chưa được 2 năm, nhưng hiệu quả đã rất khả quan. Một ngày dân bản đi nương có thể tạt qua hái chè tươi về bán, mỗi cân có giá từ 40 đến 50 nghìn đồng. Một ngày, một người có thể hái được 500 nghìn đồng.

Rừng chè cổ thụ nằm trên núi cao, người khỏe đi cũng phải mất cả ngày đường. Chè cổ thụ hiếm nên sản lượng cũng không nhiều. Dãy núi Mồ Sì San chỉ có khoảng hơn 1.000 cây nằm rải rác. Hiện nay, Hợp tác xã Biên Cương đã triển khai cho người dân trồng thêm để gây dựng và bảo tồn giống chè cổ thụ quý hiếm này. Vào thăm Hợp tác xã Biên Cương, chúng tôi nhìn thấy những chiếc máy sao chè hiện đại được đầu tư bài bản. Những cô gái dân tộc Dao đỏ mặc trang phục truyền thống đang sao, đảo chè uyển chuyển, thuần thục bằng tay không trên chiếc chảo gang. Hương chè, hương núi quyện vào nhau càng làm thắm lên vị chè thơm ngát. Anh Tẩn Chỉnh Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San phấn khởi giới thiệu: “Ở đây, chúng tôi chia làm 4 loại chè, gồm chè MSS 79 (cách gọi tắt của Mồ Sì San, cột mốc 79), đây là loại đặc sản, chủ đạo; tiếp đến là hồng chè, bạch chè và chè Hoàng Liên Sơn. Hợp tác xã đã đăng ký được thương hiệu và sẽ giới thiệu sản phẩm tới khách hàng trong nay mai. Chè MSS79 và bạch chè do đích thân những cô gái người Dao đỏ sao bằng tay, hoàn toàn thủ công”. Chúng tôi được mời thưởng thức cả 4 loại chè, vừa đưa tách chè lên miệng, hương thơm đã lan tỏa, cảm giác thật là đặc biệt. Hương của đất, trời, của sương núi và băng giá hòa quyện trở thành mùi vị đặc trưng mà không loại chè nào ở đâu có được. 

hxte_12b
Sản phẩm chè cổ thụ ở Mồ Sì San được giới thiệu, ra mắt thị trường. Ảnh: Kim Nhượng

Anh Tẩn Chỉnh Lùng nói: “Chè cả nghìn năm tuổi, ở trên núi cao, tất nhiên là khác với chè bình thường rồi!”. Rừng chè cổ thụ đã giúp cho bà con có được một nguồn thu khấm khá, giải quyết được nhu cầu việc làm cho người dân trong bản. Với hơn 20 nhân công của buổi đầu thành lập, dần dần, hợp tác xã đã và đang phát triển, sẽ thuê thêm nhiều nhân công khác nữa trong tương lai không xa”.

Trên đường quay ra UBND xã Mồ Sì San, chị Tẩn Tả Mẩy trao đổi với chúng tôi khi được hỏi về giá trị của rừng chè: “Từ ngày có Hợp tác xã Biên Cương, người dân trong xã sống khỏe hẳn lên, đi nương thảo quả thì tiện ngược lên rừng chè, mỗi ngày hái nhiều cũng bán được gần 1 triệu đồng tiền chè tươi. Con gái nhà mình được anh Lùng thuê sao chè, mỗi tháng cũng mấy triệu đồng. Tết này, nhà mình có của ăn, của để, sắm Tết hơn hẳn mọi năm!”.

Hợp tác xã Biên Cương được thành lập có sự đóng góp không nhỏ của những người lính Biên phòng. Việc xây dựng mô hình hợp tác xã chính là ý tưởng của những người lính Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu. Đại úy Phan Mạnh Thiết, cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cũng là một trong những thành viên trong Hợp tác xã Biên Cương, chia sẻ với chúng tôi: “Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao, vấn đề quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới được nâng lên rõ rệt. Tôi là thành viên danh dự trong hợp tác xã chứ không phải thành viên làm kinh tế. Được Ban chỉ huy đồn phân công nhiệm vụ, ngoài công tác tham mưu cho chính quyền địa phương, chúng tôi còn tuyên truyền cho bà con hiểu về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Mỗi hộ lên rừng trồng thảo quả, hái chè đều tự giác phát quang đường tuần tra, phát quang xung quanh cột mốc và nắm thông tin quanh khu vực biên giới, từ đó, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ nơi địa đầu Tây Bắc. 

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO