Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 05:00 GMT+7

Phát triển nông nghiệp thích ứng với khô hạn

Biên phòng - Nông nghiệp sa mạc đang được coi là mô hình mang lại hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn, sa mạc hóa có xu hướng gia tăng. Thực tế, hiệu quả của việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ tại Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thích ứng với khô hạn, tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho. Ảnh: An Nhiên

Kinh nghiệm từ vựa lúa Nam bộ

Cuối quý 3 năm 2019, dựa trên các thông số của cơ quan chức năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra nhận định tình hình hạn, mặn năm nay bằng hoặc cao hơn so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp then chốt. Trong đó, các tỉnh, thành phố ở vùng ĐBSCL được chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 ngay từ tháng 11-2019, sớm hơn mọi năm từ 20-30 ngày. Thậm chí, tại một số địa phương, bà con xuống giống ngay từ những ngày đầu tháng 10-2019 để tránh thời điểm xâm nhập mặn căng thẳng nhất. Mặt khác, đối với 100.000ha thuộc vùng sản xuất lúa Đông Xuân hằng năm, nhưng có nguy cơ cao ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019-2020, các địa phương đã chủ động bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 50.000ha và lùi thời vụ cho 50.000ha còn lại.

Bộ NN&PTNT cũng quyết liệt chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi phục vụ đủ nước cho sản xuất nông nghiệp ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, cấp nước và ngăn mặn ở ĐBSCL. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, xuống giống theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nên vụ Đông Xuân tại ĐBSCL đã tránh được thiệt hại lớn mặc dù xâm nhập mặn sâu hơn, lâu hơn, người nông dân vừa được mùa, vừa được giá.

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống tại khu vực ĐBSCL là hơn 1,5 triệu ha, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha. Mặc dù xâm nhập mặn năm 2020 ở mức cao hơn năm 2016, nhưng mức độ thiệt hại của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa năm nay giảm thiểu đáng kể. Năm 2015-2016, diện tích lúa bị thiệt hại vào khoảng 405.000ha và 500.000 hộ dân không có nước sinh hoạt. Trong khi năm 2019-2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 23.800ha và chỉ có 96.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Kết quả trên là do chúng ta đưa ra cảnh báo xâm nhập mặn sớm, các địa phương đã chủ động dịch chuyển thời vụ phù hợp.

Có thể thấy, thắng lợi của vụ Đông Xuân 2019-2020 tại ĐBSCL đã minh chứng tính hiệu quả khi người nông dân dịch chuyển thời vụ phù hợp, giảm thiểu được tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cũng nhờ được cảnh báo sớm về tình trạng hạn hán có thể xảy ra, tỉnh Bình Thuận đã chủ động cắt giảm gần 14.000ha diện tích cây trồng (lúa 13.218ha, bắp 770ha) vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Đồng thời, đẩy mạnh trồng cây ngắn ngày, cây chịu hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang hứng chịu nắng nóng gay gắt, ở mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng. Tính đến ngày 25-5-2020, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh Bình Thuận là 12,61 triệu m3, đạt 4,8% dung tích thiết kế. Khoảng 16.000ha thanh long và hơn 1.800ha cây rau, màu, cây ăn quả... trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thành phố Phan Thiết bị thiếu nước tưới. Điều đáng mừng là trong khi nhiều vườn cây bị khô héo vì nắng hạn thì một số trang trại trồng thanh long, dưa lưới phủ màng vẫn giữ được năng suất do sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 10.000ha diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: An Nhiên

Bình Thuận là một trong những địa phương có kiểu khí hậu khô nóng, diện tích đất khô cằn lớn gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Bình Thuận đã sớm có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với khô hạn. Trong năm 2019, địa phương ven biển này đã chuyển đổi hơn 3.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có giá trị cao. Cùng với đó, diện tích trồng thanh long cũng đang được khoanh vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, phương thức sản xuất được chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức liên kết sản xuất.

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, khô hạn ngày càng kéo dài và mở rộng, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, phun sương, đào hố trữ nước tưới. Bình Thuận cũng đã triển khai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Bình với diện tích khoảng 2.000ha. Tại đây trồng các loại cây có khả năng chịu hạn, có giá trị kinh tế cao, sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăm sóc, sử dụng nước tưới tiết kiệm.

Giống như Bình Thuận, Ninh Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, với các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, lượng bốc hơi lớn. Bài toán khó nhất đối với tỉnh Ninh Thuận trong phát triển nông nghiệp vẫn là nguồn nước mỗi khi đến mùa khô hạn. Để thích ứng với tình hình, tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi các diện tích trồng lúa, các cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có khả năng chịu khô hạn, có giá trị kinh tế cao như nho, táo, bưởi, măng tây, nha đam, dưa lưới. Đến nay, Ninh Thuận đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng nho, táo và măng tây xanh ở huyện Ninh Phước, vùng trồng cây ăn quả ở huyện Ninh Sơn, vùng trồng bưởi da xanh ở huyện Thuận Bắc, vùng chăn nuôi ở huyện Bác Ái.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu đến hết năm 2020, địa phương này sẽ phát triển 4 điểm sản xuất cây ăn quả (nho, táo...) ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 700ha; 1 vùng sản xuất rau an toàn gồm 12 địa điểm sản xuất, với tổng diện tích 1.640ha và 4 điểm chăn nuôi gia súc có sừng với tổng diện tích 500ha, được thực hiện tại 4 huyện Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Sơn; 3 vùng nuôi thủy sản thương phẩm công nghệ cao, với tổng diện tích 200ha, tập trung ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam...

An Nhiên

Bình luận

ZALO