Biên phòng - Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng, phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố (TP) khu vực Nam Bộ dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Hiện nay, để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, các tỉnh phía Nam cũng đã phát triển một sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Gần đây, loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử đã được xuất hiện trong các chương trình du lịch tại các tỉnh miền Tây nhằm quảng bá văn hóa của loại hình nghệ thuật dân gian này. Các tỉnh, TP phía Nam đang đưa nghệ thuật đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch gồm: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đờn ca tài tử là sản phẩm văn hóa tinh thần của miền Tây Nam Bộ từ xưa đến nay, địa danh gốc hình thành nghệ thuật này là tỉnh Bạc Liêu - quê hương của vị tiền bối nhạc cải lương Cao Văn Lầu mà trong giới chơi tài tử cải lương tôn sùng là “sư tổ”. Ông là người đặt nền móng cho đờn ca tài tử vào thập niên 20 của thế kỷ XX, từ đó, nhiều tiền bối nối tiếp đã cải biên cho đến ngày hôm nay.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, từ lâu nay, tỉnh vẫn lưu giữ loại hình nghệ thuật văn hóa này với khoảng 100 câu lạc bộ, nhóm, đội đờn ca tài tử thường xuyên hoạt động tại các ấp, xã văn hóa tạo thành một sân chơi bổ ích. Đặc biệt là các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều có đội đờn ca tài tử để phục vụ những bài bản ngắn và những bài vọng cổ trong dòng cải lương Nam Bộ. Đó cũng là một phần bài bản của đờn ca tài tử phục vụ trong thời gian dừng chân của du khách để hòa khí trong một không gian thoáng mát, uống tách trà mật ong ngọt ngào, thưởng thức những trái cây tươi, thơm ngát của địa phương... Qua đó, làm cho du khách trong và ngoài nước đều in đậm mãi những kỷ niệm du lịch, thưởng ngoạn trên sông nước miệt vườn của vùng đất xứ dừa Bến Tre.
Nghệ nhân Út Châu - người đang cộng tác với Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho biết, để xây dựng các mô hình đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch, chúng ta cần giữ đúng giá trị của loại hình này đi kèm với việc thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh. Các địa phương vùng ven TP Hồ Chí Minh có không gian, bối cảnh khá phù hợp để phát triển loại hình nghệ thuật này thành sản phẩm du lịch.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngành văn hóa cũng đưa loại hình này vào phục vụ du khách như: Vào ngày rằm hằng tháng, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (TP Thủ Đức) tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu...; Làng du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) đưa đờn ca tài tử kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần. Hoạt động này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách khi đến tham quan tại đây.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, năm 2020, tại TP có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với tổng số 3.017 thành viên, trong đó có 4 Nghệ nhân Ưu tú, 2 Nghệ nhân Nhân dân. Vấn đề nhân lực là điều không thiếu để phát triển đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh, nhưng việc tập hợp được những người có đủ năng lực, đam mê, nhiệt huyết để cùng phát triển lại khá nan giải. Với đa số các nghệ nhân, đờn ca tài tử chỉ là đam mê hoặc nghề tay trái.
Ông Trương Minh Hậu, Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới cho rằng, chất xúc tác cần có là làm thế nào để gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương để sản phẩm du lịch này không bị trùng lắp ở các tỉnh phía Nam. Vì vậy, mỗi tỉnh, TP cần xây dựng một sản phẩm du lịch đờn ca tài tử mang tính đặc trưng gắn với văn hóa của tỉnh mình. Từ đó, khi du khách nghe đờn ca tài tử còn có thể hiểu văn hóa của vùng đất, con người Nam Bộ, dần dần xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của vùng sông nước nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Tạo ra liên kết chặt hơn
Là người từng mang cải lương, đờn ca tài tử biểu diễn tại trụ sở UNESCO ở Pháp, phục vụ kiều bào nước ngoài, Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các không gian phù hợp với đờn ca tài tử có thể là những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, những vùng sông nước ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, muốn phát triển sản phẩm du lịch này, cần tạo thói quen nhận diện cho công chúng, du khách về hoạt động đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh. Ví dụ như dành một không gian tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) cho đờn ca tài tử để các câu lạc bộ hoạt động luân phiên, cũng là cách làm tăng sự nhận diện của bộ môn nghệ thuật này tới công chúng.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có khoảng 100 câu lạc bộ và nhóm đờn ca tài tử tại 15 huyện, TP với hơn 1.500 người tham gia sinh hoạt. Để phát triển loại hình này thành sản phẩm du lịch, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử.
Ngành văn hóa tỉnh thực hiện kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu khoa học về đờn ca tài tử Nam Bộ; đồng thời, đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh; mở các lớp truyền dạy và khuyến khích sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử. Các đơn vị du lịch tăng cường tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn kinh phí để phục vụ cho các hoạt động đờn ca tài tử tại các điểm du lịch nổi tiếng nhằm giữ chân du khách và góp phần làm tăng thu nhập cho nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, muốn phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch, cần tạo ra sự liên kết nhiều hơn giữa các đơn vị, doanh nghiệp. Thạc sĩ Phạm Thái Bình, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cán bộ Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài công tác xây dựng không gian, việc tuyên truyền, quảng bá cũng là vấn đề cần được coi trọng. Vì vậy, để quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng này, trước tiên phải có sản phẩm tốt.
Muốn phát triển đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng thì cần có đơn vị đầu tư, có kế hoạch huy động các nguồn lực từ ngành văn hóa, ngành du lịch... cùng chung tay xây dựng. Trong đó, ngành văn hóa có vai trò giữ gìn, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm đờn ca tài tử phục vụ cho du lịch; ngành du lịch quảng bá, tạo sân chơi cho nghệ thuật này phát triển, thu hút nhiều du khách đến nghe và thưởng thức đờn ca tài tử...
Nguyễn Hoàng