Biên phòng - Được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, vùng Tây Bắc vẫn có tốc độ phát triển kinh tế chậm nhất nước. Để vùng Tây Bắc có những bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đã đến lúc, Tây Bắc phải “nghĩ khác, làm khác và thiết kế khác” so với những gì đã làm trước đây.

Khi “thế mạnh” chưa thành “sức mạnh”
Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, bao gồm: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng và các huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Với diện tích cả vùng rộng gần 110.000km2, Tây Bắc có tiềm năng rất lớn để phát triển thủy điện, khai khoáng, kinh tế biên mậu, đặc biệt là nông - lâm nghiệp và du lịch.
Tuy nhiên, đến nay, các địa phương có các sản phẩm chủ lực, cũng là thế mạnh chung của cả vùng Tây Bắc như: Cây chè, cây ăn quả, gạo đặc sản, cây dược liệu... lại chưa có được sự liên kết để hình thành những vùng trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến với công suất lớn.
Bên cạnh đó, mặc dù cả vùng Tây Bắc có tới 7 cặp cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu chính, gần 40 cửa khẩu phụ, lối mở và 11 khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động, nhưng thương mại biên giới tại các tỉnh biên giới khu vực này đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, như: Hệ thống kho bãi chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, kho mát chưa được đầu tư. Việc mua bán, trao đổi một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng mua bán. Dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế, gây không ít rủi ro cho doanh nghiệp. Thông tin về thương mại biên giới phục vụ công tác quản lý, điều hành còn thiếu và chưa kịp thời.
Đặc biệt, nếu như thủy điện, khai khoáng và lâm nghiệp vốn vẫn được xem là tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Bắc, thì theo Tiến sĩ Võ Trí Thành: “Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận, đây đều là những lĩnh vực có nguy cơ tàn phá tài nguyên thiên nhiên rất cao, nếu chúng ta không có kế hoạch khai thác một cách khoa học và hợp lý”...
Từ khát vọng đến quyết tâm hành động
Bàn về cơ hội phát triển cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khá lạc quan khi cho rằng: Môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam đang khá tốt, nhiều đối tác muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và du lịch của Việt Nam. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thời điểm này chính là cơ hội tốt để Tây Bắc bàn tới các giải pháp thu hút đầu tư.
Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn cho rằng: “Các tỉnh Tây Bắc cần thường xuyên gặp gỡ để phân công và phối hợp trong phát triển các ngành nghề; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư trên quy mô vùng. Trong đó, xác định một cơ chế thực hiện rõ ràng dưới sự điều hành và giám sát chung của Nhà nước. Đây là cách hiệu quả để phát huy cao nhất các tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành gợi ý: “Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vùng Tây Bắc nên chủ động đưa ra những sáng kiến, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng phù hợp với điều kiện thực tế và đặc trưng của vùng. Cụ thể là “nghĩ khác, làm khác và thiết kế khác” so với những gì trước đây đã làm”. Đơn cử như: Ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai)... đã có từ bao đời nay, nhưng khi kết hợp với khai thác du lịch, nhiều giá trị văn hóa - kinh tế đã “đánh thức” được một bộ phận không nhỏ người dân ở đây vào cuộc và sống được nhờ du lịch.
“Trong khi chờ đợi một cơ chế liên kết chung, các địa phương cần chủ động kêu gọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở hạ tầng. Đón đầu dòng vốn đầu tư bằng cách thu hút, phối hợp, xác định lĩnh vực trọng tâm, hàng hóa - dịch vụ trọng điểm. Nhà nước chỉ giữ vai trò hỗ trợ tìm kiếm đối tác (nhà đầu tư, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, tỉnh...) và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự kết nối này” - Tiến sĩ Võ Trí Thành nói.
Cùng với việc hình thành liên kết vùng, phối hợp để thu hút đầu tư, phát triển hàng hóa cho vùng Tây Bắc, ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề xuất: Tây Bắc có hệ thống núi non trùng điệp, bản sắc văn hóa dân tộc rất độc đáo; đặc biệt, thổ nhưỡng, khí hậu Tây Bắc phù hợp với nhiều loại cây, con mà không phải vùng nào cũng trồng và nuôi được, vì vậy, đây là cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch vùng nguyên liệu. Tất cả các chương trình, dự án phát triển dành cho vùng Tây Bắc phải dựa trên sự nghiên cứu, đánh giá và có các luận cứ khoa học chứ không thể thực hiện theo phong trào, hay cảm tính... Đây chính là yếu tố căn bản để Tây Bắc phát triển bền vững mà không ảnh hưởng tiêu cực đến môi sinh, môi trường.
Mai Hoàng