Biên phòng - Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 5-11, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đã có ý kiến về thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng phát triển kinh tế khu vực vùng núi phía Bắc và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia…

Theo đại biểu Vương Ngọc Hà, báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ đánh giá việc thực hiện các quy hoạch phát triển vùng kinh tế hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được liên kết giữa địa phương trong phát triển vùng, chưa quan tâm thỏa đáng đến lợi thế từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội.
Đây là đánh giá sát đúng với thực tiễn, đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác.
“Cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa có liên kết thúc đẩy sự phát triển, tạo sự chênh lệch mức sống giữa miền núi với miền xuôi và đô thị.... Việc đẩy mạnh liên kết phát triển vùng là hướng đi quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững” - Đại biểu Vương Ngọc Hà cho biết.
Từ phân tích, đánh giá trên, đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị, Chính phủ sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh, xác định những lợi thế, khó khăn của vùng để quy hoạch hợp lý các ngành kinh tế và các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để định hướng thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm.
“Quốc hội, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, kết nối các tỉnh biên giới với thị trường Trung Quốc rộng lớn, tiềm năng. Cần sớm triển khai đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, đặc biệt đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang). Hiện nay, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã xây dựng hệ thống cao tốc đến cửa khẩu Thiên Bảo, từ đó cả vùng sẽ phát triển dịch vụ logistics, đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế biên mậu” - đại biểu Vương Ngọc Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu Hà Giang nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển hê thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ phát huy lợi thế phát triển du lịch về di sản thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, kết nối giữa thủ đô kháng chiến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng) và chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang); kết nối giữa công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với non nước Cao Bằng và các khu du lịch như Sa Pa (Lào Cai), hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và những vùng ruộng bậc thang đẹp nhất tại các tỉnh phía Bắc. Các tuyến đường đó sẽ góp phần rất lớn để phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của cả vùng.
Đồng thời với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng, được liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung, khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính, từng tỉnh hình thành không gian kinh tế vùng.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đại biểu Hà Giang đề nghị, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Biên phòng Việt Nam, trong dự thảo Luật đã quy định chính sách là ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới. Vì vậy, Chính phủ cần sớm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hoạt động biên phòng đồng bộ như camera giám sát hoặc các trang thiết bị hiện đại và các hệ thống chốt "cứng" ở đường biên. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư đường tuần tra biên giới để vừa đảm bảo kiểm soát chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa thuận lợi để đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.
Viết Hà