Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Phát triển du lịch cửa khẩu: Mở rộng cánh cổng đưa khách quốc tế đến Việt Nam

Biên phòng - Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia với hàng chục cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Khu vực cửa khẩu có nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa đa dạng, ẩm thực đặc sắc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho hoạt động thương mại, du lịch biên giới sôi động.

Từ cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) có thể dễ dàng tới thăm các điểm đến nổi tiếng như đảo Hải Tặc, đảo Phú Quốc... Ảnh: Bích Nguyên

Tiềm năng lớn

Hầu hết các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm ở các địa phương biên giới sở hữu hệ thống núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, người dân thân thiện, văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Nhiều cửa khẩu có hệ thống giao thông phát triển, kết nối với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam và thế giới.

Điểm danh các cửa khẩu quốc tế hiện nay của Việt Nam, cửa khẩu quốc tế Lào Cai có những lợi thế nổi bật trong việc phát triển du lịch cửa khẩu, bởi đây là cửa khẩu duy nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hội tụ đủ các loại hình vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy và tương lai là đường hàng không. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai còn là “cầu nối” giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Tây Nam của Trung Quốc thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam). Vùng đất biên cương này còn nổi tiếng với các địa điểm du lịch Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng - “nóc nhà Đông Dương”, cao nguyên trắng Bắc Hà.... Cùng với đó là các di sản văn hóa ruộng bậc thang, các chợ phiên và nền văn hóa đặc sắc của 27 dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Cũng với lợi thế về giao thông, tiềm năng du lịch phong phú, nhiều năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại vùng biên giới cho cả khách quốc tế và nội địa. Tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với 3 cửa khẩu: Móng Cái (thành phố Móng Cái), Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà). Hệ thống giao thông đường bộ phát triển, trong đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ các cửa khẩu tới di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu du lịch Cát Bà (Hải Phòng). Cùng với đó, sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác đã kết nối Quảng Ninh với các địa phương du lịch trọng điểm như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là điểm cộng, thu hút lượng lớn khách Trung Quốc khám phá Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trên tuyến biên giới Việt - Lào, các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Bờ Y (Kon Tum) là những điểm nhấn với tiềm năng phát triển du lịch rất đa dạng. Trong đó, cửa khẩu Lao Bảo nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (kết nối với Lào - Thái Lan - Myanmar), đồng thời, kết nối với tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia. Qua cửa khẩu này, khách quốc tế có thể dễ dàng tới các bãi biển tuyệt đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt hoặc các di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc... Du khách cũng có thể tham gia các tour Caravan khám phá thiên nhiên tươi đẹp của các tỉnh lân cận như di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ (Quảng Bình); các lăng tẩm triều Nguyễn, biển Thuận An, Lăng Cô, núi Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) hoặc sang thành phố đáng sống Đà Nẵng.

Với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) từ lâu cũng trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng bởi sở hữu nhiều danh thắng như chùa Phù Dung, lăng Mạc Cửu... Hà Tiên còn là điểm du lịch khám phá tuyệt vời khi sở hữu nhiều bãi tắm tuyệt đẹp như Mũi Nai, Bãi Bàng, Bãi Nò... Từ Hà Tiên, bạn có thể đi thuyền ra thăm các hòn đảo tuyệt đẹp như: Hải Tặc, đảo ngọc Phú Quốc, Hòn Thơm...

Dư địa còn rộng mở

Theo các chuyên gia du lịch, với hệ thống cửa khẩu trải dài cả nước, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hóa phong phú, đặc sắc, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển du lịch cửa khẩu. Nếu biết khai thác các lợi thế sẵn có, Việt Nam có thể sớm phục hồi ngành du lịch như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 cũng như đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, đặc biệt là chỉ tiêu về khách quốc tế.

Quần thể di sản thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) thu hút hàng chục nghìn khách du lịch mỗi năm. Ảnh: Bích Nguyên

Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, khách Trung Quốc là 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong cơ cấu khách quốc tế, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc cũng luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đạt mức tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Quyết định nối lại các hoạt động du lịch của Trung Quốc sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19 đang mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi khách quốc tế tại Việt Nam, đặc biệt là lượng khách Trung Quốc du lịch đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế phía Bắc. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, khách Trung Quốc đến Quảng Ninh đạt mức 75.000 lượt, chiếm 1/4 tổng số khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Để đón đầu dòng khách quốc tế, đặc biệt là thị trường khách Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch mới cũng như chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ du khách. Theo đó, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã ra mắt thí điểm hệ thống wifi miễn phí công cộng và điểm quét mã QR thông tin du lịch trên địa bàn thành phố như: Đền Xã Tắc, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Khu du lịch quốc gia Trà Cổ… Còn huyện Bình Liêu đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng cho khách nội địa như: Trekking “Sống lưng khủng long”, tham quan các cột mốc biên giới, tổ chức Lễ hội hoa sở, tham quan thác Khe Vằn…

Lãnh đạo Công ty TNHH Ant Travel nhận định, các tỉnh giáp ranh biên giới thường có nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu trong lành, mát mẻ, với nhiều cảnh quan hùng vĩ, ý nghĩa về lịch sử, gắn liền với những địa danh, cột mốc chủ quyền, hấp dẫn du khách. Dọc tuyến biên giới Việt Nam có hàng chục cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm du lịch Caravan, Overland tours… sẽ thu hút không chỉ khách du lịch ở hai nước giáp biên mà cả những khách du lịch từ các quốc gia thứ ba như Thái Lan, Singapore, Myanmar, Australia, Mỹ và châu Âu. Riêng đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, chúng ta có thể dễ dàng xây dựng các tuyến kết nối không chỉ hai nước mà vươn ra những quốc gia khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar.

Hiện, Việt Nam đã xây dựng các cơ chế hợp tác phát triển du lịch với các nước láng giềng dưới cả hai hình thức song phương và đa phương, chủ yếu qua các khuôn khổ: “Ba quốc gia một điểm đến”, “Tam giác phát triển” (Việt Nam - Lào - Campuchia), “Bốn quốc gia một điểm đến” (Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar), “Hành lang Đông Tây”, “Tiểu vùng Mê Kông mở rộng” (GMS), “Mê Kông - Lan Thương”... Nếu khai thác tốt các cơ chế này và tận dụng được ưu thế, tiềm năng du lịch, Việt Nam có thể sớm phục hồi hoàn toàn ngành du lịch, đặc biệt là chỉ tiêu khách du lịch quốc tế, bởi khách đến từ châu Á chiếm tới gần 80% khách quốc tế đến Việt Nam.

An Nhiên

Bình luận

ZALO