Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 06:16 GMT+7

Phát triển chăn nuôi gắn với công nghiệp, hiện đại hóa là đòi hỏi bức thiết

Biên phòng - “Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã tạo thời cơ, vận hội mới cho ngành chăn nuôi”- đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15-9.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Ảnh: Bích Nguyên

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 là một trong những chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực đầu tiên được phê duyệt.

Triển khai chiến lược này, ngành nông nghiệp đã tập trung tái cấu trúc ngành chăn nuôi để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, năng suất để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo ra giá trị vượt bậc. Từ đó, ngành chăn nuôi đã tạo ra hạ tầng để phát triển trong chăn nuôi, sản phẩm sữa đã xuất tới trên 43 nước đặc biệt là thị trường Trung Quốc, gà xuất sang Nhật Bản.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức mà ngành chăn nuôi đang phải vượt qua. Đó là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình chiếm tỉ lệ cao, khó kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi chưa cao. Dù vậy, thời cơ và thuận lợi trong phát triển chăn nuôi giai đoạn tới vẫn là chủ yếu.

“Chúng ta chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại trong đó có ngành chăn nuôi luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm. Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua, đây là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam. Nhu cầu thực phẩm trong nước và thế giới ngày càng gia tăng, năng lực sản xuất, chế biến các sản phẩm chăn nuôi đang từng bước được nâng cao. Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực tạo thời cơ, vận hội mới cho ngành chăn nuôi”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng định hướng: “Trước hết, phát triển ngành chăn nuôi phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và trên thế giới. Phải tính toán, dự báo nhu cầu thị trường, tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược, thiếu kế hoạch”.

Trong quá trình phát triển ngành chăn nuôi, chúng ta vừa phải dự báo vừa điều chỉnh, bổ sung, cập nhật kịp thời để theo kịp diễn biến của thị trường. “Phát triển ngành chăn nuôi phải đảm bảo năng suất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường, muốn vậy phải phát triển chăn nuôi gắn với công nghiệp, hiện đại hóa”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, “Phải phát triển mạnh các doanh nghiệp chăn nuôi, coi đây là động lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, để xây dựng những liên kết trong chuỗi giá trị. Muốn vậy phải áp dụng khoa học kỹ thuật thật tốt, phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Bàn về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi, Phó Thủ tướng đề nghị cần chú ý hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế liên quan đến ngành chăn nuôi và có những quy định về chính sách phát triển khoa học công nghệ, tín dụng, vốn, chính sách về phát triển nguồn nhân lực; thị trường, tổ chức sản xuất, an toàn sinh học, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Trên cơ sở kết quả sản xuất chăn nuôi giai đoạn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 với kỳ vọng phát triển ngành chăn nuôi trở thành ngành đi đầu trong kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Đến năm 2040, ngành chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó: Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO