Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

Biên phòng - Không chỉ có vai trò giữ gìn, phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn động vật quý hiếm, điều hòa khí hậu, rừng đặc dụng (RĐD) và rừng phòng hộ (RPH) còn là lợi thế để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì lẽ đó, cần tạo ra dư địa mới cho khu vực này, vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế.

rhvm_17a
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất cả nước. Ảnh: Bích Nguyên

Hơn 400.000ha rừng được cộng đồng, hộ dân bảo vệ

Ngoài Luật Lâm nghiệp năm 2017,  những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách đảm bảo cho phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp và phù hợp về phân hạng, phân loại để bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học RĐD, RPH. 

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành lâm nghiệp đã thiết lập hệ thống khu RĐD với tổng diện tích có rừng là 2,15 triệu ha, theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt hệ thống RĐD cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, có 15 khu RĐD quy hoạch thành lập mới đã được xác lập nâng diện tích RĐD tăng thêm 77.627ha so với thời điểm trước năm 2014. Về diện tích RPH, hiện cả nước có 4,6 triệu ha.
Các khu RĐD, RPH phân bố đều từ Bắc đến Nam với 54/63 tỉnh, thành phố có các khu RĐD và 59/63 tỉnh, thành phố có RPH. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích RĐD lớn nhất cả nước với gần 228.000ha, chiếm gần 10% diện tích RĐD cả nước. Về RPH, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 291.000ha, chiếm 6,3% diện tích RPH cả nước.  

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trị, cả nước đã thành lập được 395 Ban quản lý rừng. Bình quân mỗi năm, các Ban quản lý rừng giao khoán bảo vệ hơn 400.000ha rừng cho cộng đồng, cá nhân, hộ dân; trồng rừng mới hơn 10.000ha. Việc làm này góp phần tăng thêm diện tích có rừng, nâng độ che phủ rừng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương sống trong vùng lõi và vùng đệm. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ nghề rừng. Bên cạnh đó, các Ban quản lý rừng đã củng cố, kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ rừng, các tổ tuần tra rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã phát hiện và xử lý có chiều hướng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại theo từng năm. Cụ thể, đối với hệ thống RĐD trong năm 2014 có 1.940 vụ vi phạm, đến năm 2018 giảm xuống còn 1.007 vụ (bình quân mỗi năm giảm khoảng 187 vụ). Đối với hệ thống RPH, trong năm 2017 xảy ra 1.508 vụ vi phạm, đến năm 2018 giảm còn 1.131 vụ.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, các khu RĐD, RPH sẽ phải từng bước tự chủ được về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, 85% các Ban quản lý RĐD, RPH đã xây dựng phương án tự chủ. Ngành lâm nghiệp phấn đấu đến năm 2025, 50% các khu RĐD, RPH có hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đạt hiệu quả; hằng năm thu hút 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.

Các Ban quản lý rừng cũng đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng rừng mới và bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên, góp phần bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, giữ vững cảnh quan, môi trường sinh thái. Nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ, bảo tồn tại các Ban quản lý như: Voi ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam; gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo; sao la ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế; voọc ở Vườn quốc gia Cúc Phương; sâm Ngọc Linh ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum; những loại cây hạt trần quý, hiếm ở Khu bảo tồn Nam Động và loài cây sến ở Khu bảo tồn sến Tam Quy, tỉnh Thanh Hóa...

Gắn bảo tồn với phát triển kinh tế

Xã hội hóa công tác bảo tồn và phát triển bền vững rừng, tạo động lực phát triển kinh tế được xác định là hướng đi mới của ngành lâm nghiệp. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các chính sách, pháp luật của Nhà nước thời gian qua đã mở ra triển vọng huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp, lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu nhất quán: Bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với an ninh môi trường. 

Trước đây, ngành lâm nghiệp chỉ chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, Luật Lâm nghiệp đặt ra yêu cầu chuyển đổi nhận thức phát triển rừng thành ngành kinh tế. Điều này đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải chủ động thay đổi nhận thức, phát triển rừng theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, tổ chức thương mại. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu quản lý tốt, rừng chính là một lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ. Với hơn 6,7 triệu ha RĐD và RPH, cần tạo ra dư địa mới cho khu vực này vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế.

Hiện nay, có 61 khu RĐD tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Năm 2018, các khu RĐD đã đón tiếp 2,39 triệu lượt khách, tăng 43%, doanh thu đạt hơn 155 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. Năm 2019, dự kiến sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, tăng 5% so với năm 2018. Đến ngày 28-11-2019, các khu RĐD đã đón hơn 2,4 triệu lượt khách, đạt doanh thu 156 tỷ đồng. Ước tổng doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái năm 2019 đạt khoảng 185 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. 

wyac_17b
Các em học sinh thăm khu cứu hộ vượn tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bích Nguyên

Để phát triển bền vững RĐD, RPH, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức bộ máy quản lý trên cả nước theo hướng, các Ban quản lý RĐD, RPH thống nhất là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trừ các vườn quốc gia). Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý RĐD, RPH từ quy hoạch sử dụng đất đến tổ chức chỉ đạo thực hiện các dự án trên các vùng đất lâm nghiệp, đặc biệt là diện tích đất gần các khu RPH, để giảm mâu thuẫn, tránh xung đột lợi ích. Đề xuất xây dựng các chính sách bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO