Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Phát triển bền vững

Biên phòng - Lượng hóa chất sử dụng tại Việt Nam hiện ở mức hơn 9 triệu tấn, tập trung tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Trước tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hóa chất đạt bình quân 14% - 16%/năm và nhu cầu sử dụng hóa chất đang có xu hướng gia tăng, dự báo lượng hóa chất sử dụng tại Việt Nam sẽ tăng vọt trong thời gian tới.

o-nhiem-moi-truong
Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng ở các thành phố lớn của Việt Nam. Ảnh: minh họa

Bên cạnh những giá trị kinh tế do ngành công nghiệp hóa chất mang lại (chiếm tỷ trọng trên 14% trong toàn ngành công nghiệp), chúng ta đang phải đối mặt với áp lực bảo đảm an toàn hóa chất, không chỉ tại cơ sở sản xuất mà còn đối với môi trường và sức khỏe của người dân.

Chúng ta đều biết, hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe và môi trường sống. Nhưng chỉ sau khi xảy ra một loạt sự cố nghiêm trọng, gây hệ lụy khôn lường như vụ nổ hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng và Công ty Đặng Huỳnh (TP Hồ Chí Minh); vụ xả thải hóa chất xuống biển của Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh và gần đây nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông..., dư luận và các nhà quản lý mới nhận thấy, việc siết chặt quản lý hóa chất đã bị xem nhẹ, buông lỏng.

Theo các nhà khoa học, đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính ô-xy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, mãn tính; gây độc hại đến môi trường và sức khỏe của người tiếp xúc, nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ rất nguy hiểm. Một số loại hóa chất tính độc không cao, nhưng khi cháy không hết, cháy trong môi trường yếm khí lại sinh ra một loạt hóa chất nguy hiểm không kiểm soát được; có những loại hóa chất để nguyên không độc, khi trở thành hỗn hợp lại độc. 

Do đó, hóa chất phải được quản lý an toàn trong tất cả các khâu từ sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển đến tiêu hủy. Theo quy định, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tùy theo quy mô và đối tượng cụ thể; tự tổ chức huấn luyện, tuyên truyền trong sử dụng, bảo quản hóa chất. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra của Bộ Công thương cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất chủ quan, lơ là trong quản lý an toàn hóa chất, chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thiếu minh bạch, công khai thông tin về hóa chất sử dụng ở cơ sở sản xuất.

Thế nhưng, trong năm 2018, Cục Hóa chất (Bộ Công thương) mới phát hiện và xử phạt 14 doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động hóa chất 161,7 triệu đồng; 10 tháng của năm 2019, cũng chỉ phát hiện, xử phạt 8 doanh nghiệp sai phạm 121,8 triệu đồng. Trước thực tế, hàng trăm cơ sở sản xuất có nguy cơ gây hại đến môi trường sống, dư luận băn khoăn về tính minh bạch trong công tác kiểm tra, giám sát của các địa phương và lực lượng chức năng.

Sự bức xúc của dư luận hoàn toàn đúng, bởi năm 2018, chúng ta chi hơn 5,16 tỷ USD nhập khẩu hóa chất. Nhưng chưa thấy các nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất công khai số tiền chi ra để phòng ngừa, bảo vệ môi trường. Ngay cả khi Chính phủ yêu cầu di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, đến nay, còn hàng trăm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng vẫn chây ỳ không di chuyển...

Rõ ràng, việc chủ động phòng ngừa ít tốn kém hơn so với giải quyết sự cố, giúp bảo vệ tài sản của chính doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Tất nhiên, ý thức tự giác của các cơ sở sản xuất đóng vai trò quyết định. 

Những bất cập trong quản lý an toàn hóa chất chỉ được giải quyết triệt để bằng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương cùng cơ quan hữu quan. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế bằng mọi giá mà đánh đổi môi trường sống.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO