Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Phát triển bền vững, nâng cao giá trị cà phê Tây Nguyên (bài 3)

Biên phòng - Cà phê Việt Nam có sản lượng xuất khẩu cao trên thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu mà cà phê mang lại lại thuộc tốp thấp nhất so với các nước xuất khẩu cà phê khác trong khu vực và trên thế giới. Để cà phê Việt Nam, trong đó, có Tây Nguyên gia tăng giá trị, nâng tầm thương hiệu trên trường quốc tế, cần phải có chiến lược phát triển bền vững.

Bài 3: Đẩy mạnh liên kết để nâng tầm giá trị cà phê

Liên kết với doanh nghiệp sản xuất cà phê hữu cơ, vườn cà phê của ông Trần Hồng Minh cho ra hoa đều. Ảnh: Hoàng Lê

Tích cực xây dựng chuỗi liên kết

Tiên phong liên kết với doanh nghiệp sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ, ông Trần Hồng Minh (sinh năm 1966), trú tại thôn 4, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhận ra rằng, gần 20 năm sản xuất cà phê theo cách truyền thống, sử dụng phân bón hóa học là nguyên nhân dẫn đến năng suất, chất lượng cà phê không cao, đất đai ngày càng cằn cỗi.

Ông Minh chia sẻ: Quyết định liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vương Thành Công với tôi là việc làm sáng suốt. Bởi khi chuyển hướng sản xuất cà phê hữu cơ, chăm sóc cây bằng chế phẩm sinh học năng suất cà phê ổn định 4 tấn/ha, cây khỏe mạnh, chi phí đầu tư lại thấp, tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình mà lãi cao gấp đôi trước đây. Không chỉ sản xuất hạt cà phê sạch, tôi còn được công ty hướng dẫn thu hoạch vỏ và hoa cà phê để làm nguyên liệu sản xuất trà. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình tôi thu thêm 50 triệu đồng từ việc thu hoạch hoa, vỏ cà phê hữu cơ.

Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên tích cực trong việc phát triển tổ chức hợp tác nông dân sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ, FLO…

Liên kết sản xuất cà phê theo quy trình đạt chuẩn quốc tế theo chứng nhận UTZ, ông Nguyễn Đức Hội, ở thôn 7, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Lắk thấy rõ lợi ích của việc này. Canh tác khoa học trên diện tích 3ha cà phê, hằng năm, ông tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá cà phê nhân cũng cao hơn so với thị trường nên gia đình ông rất yên tâm sản xuất.

Huyện Đắk R’lấp hiện có hơn 19.000ha cây cà phê, sản lượng đạt khoảng 37.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cà phê đang thời kỳ kinh doanh là 15.449ha; kiến thiết cơ bản là 3.614 ha. Năng suất cà phê trung bình của huyện hiện đạt 2,4 tấn/ha. Huyện đã xây dựng được 12 chuỗi sản xuất cà phê bền vững, với trên 4.000 hộ dân tham gia với diện tích hơn 6.800ha. Một số chuỗi đã đầu tư vào chế biến sâu, có nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường.

Với cách sản xuất hữu cơ, vợ chồng ông Trần Hồng Minh, ở xã Ea Kao đã cắt tỉa hoa cà phê và phơi sấy để làm trà hoa cà phê tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Ảnh: Hoàng Lê

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp, 15 trang trại, 39 tổ hợp tác và 52 hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê; khoảng 2.350 hộ liên kết sản xuất cà phê với diện tích khoảng trên 8.040ha (chiếm khoảng 3,9% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh). Trong đó, có khoảng 39/52 hợp tác xã cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 5 hợp tác xã có sản phẩm được chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Hiệu quả từ hợp tác, liên kết

Hợp tác là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm liên kết các hộ nông dân trồng cà phê sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận. Thực tế cho thấy, hợp tác sản xuất đang góp phần hình thành nên các mô hình liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ mang lại hiệu quả cao cho ngành hàng cà phê.

Liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân đã khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò là cầu nối hết sức quan trọng, đồng thời, tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất.

Cán bộ nông nghiệp xã Cư Suê, huyện Cư M'gar (bên phải) thăm vườn cà phê của Hợp tác xã nông nghiệp Cư Suê để hướng dẫn nông dân trên địa bàn sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Ảnh: Hoàng Lê

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hình thành tự phát, trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các thành phần khi tham gia liên kết chưa chặt chẽ, chưa thực sự bền vững. Vì vậy, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để vận hành tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, một trong những việc quan trọng mà người sản xuất phải làm để nâng cao giá trị cà phê, tăng thu nhập là liên kết trong tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến. Liên kết ngay từ khi mua vật tư đầu vào. Việc liên kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất. Chẳng hạn, nếu một nhóm người, hay một hợp tác xã tổ chức mua phân bón tại nhà máy sản xuất thì giá sẽ rẻ hơn so với việc từng gia đình đến đại lý mua. Hay việc một hộ dân tổ chức phòng trừ sâu bệnh thì không thể hiệu quả bằng việc cả khu vực cùng làm. Hơn nữa, việc liên kết, hợp tác lại, xây dựng các cánh đồng, vùng nguyên liệu lớn thì sẽ mang lại hiệu quả cao, kể cả giá bán cũng nâng lên được.

Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có nghị quyết thúc đẩy hợp tác sản xuất. Hiện nay, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức hợp tác đã được phát triển đa dạng, phong phú và bản thân người dân đã nhận thấy việc này là cần thiết. Do đó, việc hợp tác, liên kết đang đi vào cuộc sống, sản xuất rất tốt và quan trọng là khâu tuyên truyền đến người dân cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để nâng cao giá trị cây cà phê, nhất thiết phải xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê đặc sản cho khu vực Tây Nguyên. Muốn vậy, phải đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị để hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chứng nhận quốc tế.

Hoàng Lê

Bình luận

ZALO