Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Phát triển bền vững, nâng cao giá trị cà phê Tây Nguyên (bải 2)

Biên phòng - Hình thức tổ chức sản xuất cà phê khu vực Tây Nguyên hiện nay chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Nông dân vẫn đang quen làm cà phê theo kiểu truyền thống, chưa chú trọng việc đầu tư sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng. Vì vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê chưa cao, khó tiếp cận với các thị trường khó tính.

Bài 2: Sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng

Việc thu hoạch quả chín sẽ nâng cao chất lượng hạt cà phê. Ảnh: Hoàng Lê

Thay đổi tư duy sản xuất

Gia đình anh Lê Văn Linh, ở thôn 1, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có 2,1ha cây cà phê. Trước đây, anh chăm sóc theo kiểu truyền thống, mỗi năm thu hoạch hơn 6 tấn cà nhân, nếu được giá 40 triệu đồng/tấn anh thu về khoảng 250 triệu đồng. Sau khi trừ các loại chi phí đầu tư như phân bón, nhân công, tưới…, anh còn lãi khoảng 80 triệu.

Tuy nhiên, càng ngày, năng suất cà phê càng giảm trong khi chi phí đầu tư tăng, nguồn thu từ cà phê không thể trang trải mọi chi phí trong gia đình. Anh Linh tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, tìm cách tăng năng suất, thu nhập từ cà phê. Năm 2019, anh Linh quyết định sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ bằng việc liên kết với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công (Công ty Vương Thành Công) để nâng cao giá trị và đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Tuân thủ quy trình sản xuất, thu hoạch, hoàn toàn sử dụng các loại phân, chế phẩm sinh học để chăm sóc, thu hoạch trái chín, sau 3 năm trải nghiệm, đến nay, vườn cà phê của gia đình anh Linh xanh tốt, cho năng suất cao. Anh Linh chia sẻ: Sản xuất hữu cơ, chi phí đầu tư thấp hơn 20% so với trước đây. Chất lượng cà phê cao nên giá thành cũng thỏa đáng. Cũng trên diện tích cà phê đó, bây giờ, mỗi năm gia đình tôi thu lãi 160 triệu đồng.

Công ty Vương Thành Công là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất cà phê hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, công ty đã liên kết với 13 nông dân, 1 HTX nông nghiệp với diện tích 40ha cà phê hữu cơ. Ngoài các sản phẩm từ hạt cà phê, Công ty Vương Thành Công còn nghiên cứu tạo ra các sản phẩm từ hoa cà phê, vỏ quả cà phê chín như trà hoa cà phê, trà cascara, vang cà phê… Làm nguyên liệu cho các sản phẩm trên, nông dân sản xuất cà phê hữu có có thêm khoản thu nhập.

“Để có được chất lượng đầu vào tốt cho khâu chế biến, quy trình sản xuất tại vườn, rẫy của người dân có tính chất quyết định. Công ty luôn hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích người dân phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm” - ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty Vương Thành Công nhận định.

Tương tự, Chương trình Cụm cảnh quan cà phê bền vững do công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 (Simexco) Đắk Lắk phối hợp cùng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững - IDH tài trợ, với tổng diện tích 5.200ha cũng được đánh giá là hướng đi hiệu quả cho cà phê.

Sản xuất cà phê hữu cơ giúp cây trồng phát triển khỏe và bảo vệ dinh dưỡng của đất. Ảnh: Hoàng Lê

Tham gia chương trình cà phê cảnh quan bền vững, ông Tạ Duy Thanh, xã Ea Tân, huyện Krông Năng được đi tập huấn để chăm sóc cà phê, giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân vi sinh hữu cơ, tưới nước tiết kiệm; được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kiến tạo thành khu vườn đa tầng từ cao đến thấp, và được bố trí phù hợp thông thoáng, ánh sáng trải đều nên các loại cây xanh tốt quanh năm. Nhờ đó, năng suất cây trồng cao hơn trước và thu nhập cũng ổn định hơn.

Huyện Krông Năng hiện có 8 hợp tác xã sản xuất cà phê, trong đó, có 4 hợp tác xã đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance, FLO-CERT… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo mọi điều kiện, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp người dân liên kết thành chuỗi phát triển cà phê chất lượng cao nhằm nâng tầm thương hiệu cà phê của địa phương, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Cần có một cuộc cách mạng đúng nghĩa

Dẫu biết rằng, sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế hay sản xuất cà phê hữu cơ đều mang lại lợi ích tích cực cho người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và cả ngành hàng cà phê. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sản xuất cà phê vô cơ sang hữu cơ cần phải làm từng bước. Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của người nông dân.

Người trồng cà phê có thêm thu nhập từ việc tận dụng vỏ quả cà phê chín. Ảnh: Hoàng Lê

Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công, doanh nghiệp hiếm hoi sản xuất cà phê có chứng nhận hữu cơ của tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Việc sản xuất cà phê truyền thống sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cà phê mà tác động mạnh đến môi trường nước, không khí và làm đất nghèo dinh dưỡng. Vì vậy, năng suất cây trồng giảm dần theo thời gian và chất lượng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vườn cà phê áp dụng khoa học, kỹ thuật sản xuất hữu cơ sẽ đảm bảo luôn xanh tốt quanh năm, năng suất ổn định. Không những vậy, việc sản xuất cà phê hữu cơ còn mang lại giá trị nhân văn, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người trồng, người sản xuất và người tiêu dùng. Người dân trồng cà phê hữu cơ sẽ có thu nhập ổn định và cao hơn trồng cà phê truyền thống.

“Để người dân canh tác theo quy trình hữu cơ, cần thay đổi nhận thức và thói quen của người nông dân. Nhưng khó nhất vẫn là thói quen, do đó, ban đầu làm cà phê hữu cơ thực sự rất khó khăn. Để thay đổi được thói quen sản xuất phải tích cực tuyên truyền và người nông dân phải kiên trì, bền bỉ, quyết tâm cao. Cuộc cải tổ này ví như cuộc cách mạng đúng nghĩa, không ngừng đấu tranh, không ngừng nỗ lực” - ông Vương nhấn mạnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trên địa bàn có 220 cơ sở chế biến cà phê, trong đó, có 215 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 5 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Hiện nay, đa phần các cơ sở chế biến cà phê nguyên chất theo hướng hữu cơ, cà phê sạch theo nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và khó khăn như: Cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ của các doanh nghiệp lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hàng hoá chưa đa dạng, do vậy, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế.

Bài 3: Đẩy mạnh liên kết để nâng tầm giá trị cà phê

Hoàng Lê

Bình luận

ZALO