Biên phòng - Huy động, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Mặc dù địa bàn biên giới, biển đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nỗ lực tìm các giải pháp để đẩy mạnh công tác PBGDPL và đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các tổ chức, cá nhân và đông đảo nhân dân khu vực biên giới.
Những thách thức trong công tác PBGDPL
Hướng đến mục tiêu chung là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ và cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, những năm qua, Hội đồng PBGDPL BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị đưa công tác PBGDPL đi vào nền nếp, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của mọi công dân ở khu vực biên giới, biển đảo. Đồng thời tích cực rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ nhiệm vụ công tác Biên phòng và đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng nội dung, theo từng giai đoạn công việc để tổ chức thực hiện công tác PBGDPL.
Tuy nhiên, với đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư trang thiết bị phục vụ tuyên truyền đồng bộ, đường giao thông, cơ sở vật chất, đời sống của đồng bào các dân tộc, ngư dân trên biển còn gặp nhiều khó khăn; trang bị, phương tiện thiếu, kinh phí hạn hẹp; trình độ dân trí, dân cư phân bố không đồng đều…, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cho công tác này cần được bổ sung thường xuyên. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó khăn trong điều kiện ngân sách Nhà nước cùng nguồn kinh phí của hầu hết các tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo còn eo hẹp, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Song, với điều kiện kinh tế của cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, thời gian hạn hẹp nên khả năng tham gia có hạn. Nhiều người còn quan niệm PBGDPL là nhiệm vụ của Nhà nước vì chỉ có Nhà nước mới có đủ thầm quyền và nguồn lực để thực hiện. Cùng với đó, công tác PBGDPL là hoạt động không mang lại lợi ích trước mắt, nên khó huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác này, trừ những người thực sự có tâm huyết với cộng đồng xã hội.
Thúc đẩy trách nhiệm vì cộng đồng trong cán bộ, nhân dân
Thực hiện nội dung “Huy động nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL” của Luật PBGDPL, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động triển khai Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021 (kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021). Toàn lực lượng quán triệt, thống nhất nhận thức về xã hội hóa trong cán bộ, chiến sĩ; đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác PBGDPL; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường công tác PBGDPL; chú trọng tận dụng các nguồn kinh phí từ các dự án hợp tác quốc tế cho công tác PBGDPL.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở; giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Đặc biệt, BĐBP đã đề ra nhiều giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, sát với nhu cầu xã hội của từng địa bàn, lĩnh vực và điều kiện đặc thù, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.
Nhiều hình thức mới được áp dụng, có sức lan tỏa lớn và rất hiệu quả như: Biên soạn, phát hành bài giảng điện tử; xây dựng mô hình “Tủ sách/túi sách pháp luật”; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, sân khấu hóa; viết về gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành pháp luật; bước đầu ứng dụng các trang mạng xã hội Facebook, Youtube… để PBGDPL; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho cán bộ làm công tác pháp luật trong và ngoài Quân đội. Sự mở rộng dân chủ, thu hút sự tham gia đông đảo các tổ chức đoàn thể và nhân dân khu vực biên giới, biển đảo nhiệt tình tham gia PBGDPL cùng BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật PBGDPL, Bộ Tư lệnh BĐBP đã luôn chủ động đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động phối hợp giữa Hội đồng phối hợp PBGDPL BĐBP với Hội đồng phối hợp PBGDPL BĐBP các tỉnh, thành cũng như các bộ, ban, ngành, địa phương. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại khu vực biên giới tham gia PBGDPL đã được nâng lên một bước.
Theo đó, nhiều hình thức PBGDPL do các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về pháp luật, tổ chức hành nghề về pháp luật (Hội Luật gia, Liên đoàn luật sư, Đoàn luật sư, Văn phòng công chứng) tại khu vực biên giới thực hiện có sức lan tỏa lớn như: thông qua các hoạt động chuyên môn, tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề, tư vấn pháp luật... và đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động PBGDPL.
Sự tham gia trách nhiệm, tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong PBGDPL vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng người dân, nâng cao hiểu biết pháp luật, vừa thể hiện sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy công tác PBGDPL tại khu vực biên giới đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đặng Đức Hải