Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Phát huy vai trò lực lượng tuyên truyền văn hóa BĐBP trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Biên phòng - Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án) của Bộ Quốc phòng, BĐBP Lai Châu đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Đề án một cách linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, việc phát huy vai trò của các tổ, đội tuyên truyền văn hóa BĐBP đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.

Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP Lai Châu phối hợp tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân trên địa bàn xã Hua Bum, huyện Mường Tè, tỉnh Điện Biên (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Đức Duẩn

Trong những năm qua, kinh tế-xã hội khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Lai Châu có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, thiên tai, dịch bệnh thường xảy ra, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Hoạt động của các loại tội phạm ở KVBG vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người. Các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân sinh... để tuyên truyền, kích động người dân khiếu kiện vượt cấp, gây mất an ninh, trật tự ở KVBG.

Trước tình hình đó, là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh xây dựng kế hoạch giai đoạn 2017-2021 và kế hoạch thực hiện hằng năm, chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động tham mưu cho chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp tỉnh... tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; biên soạn 62 đề cương tuyên truyền, 1.452 cuốn tài liệu pháp luật, 5.264 đĩa DVD, 77.500 tờ rơi, tờ gấp, nội dung chủ yếu về các luật, nghị định của Chính phủ, các chủ trương, quy định của địa phương... có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Đề cương được biên soạn theo hình thức thuyết trình hoặc theo dạng hỏi đáp ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng được tuyên truyền. Các đồn Biên phòng đã duy trì triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Tiếng loa Biên phòng” với nội dung về các lĩnh vực pháp luật, chính trị, nghiệp vụ, quân sự; phối hợp với chính quyền các xã biên giới duy trì thực hiện tốt “Ngày pháp luật”, thành lập và tổ chức hoạt động của Tổ tư vấn pháp luật kết hợp với các Tổ hòa giải... để tư vấn pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành và các nội dung liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, việc chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Kết quả, BĐBP Lai Châu đã tổ chức tuyên truyền được 1.789 buổi với 94.311 lượt người, trong đó có kết hợp trình chiếu, các phóng sự, video clip về pháp luật; phối hợp tổ chức giao lưu và biểu diễn văn hóa, văn nghệ, chiếu phim lưu động lồng ghép nội dung tuyên truyền được 57 buổi với 3.648 lượt người xem. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Luật Quốc phòng; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đất đai sửa đổi năm 2013; Luật Biên giới quốc gia; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Bình đẳng giới...

Phát huy vai trò xung kích, đi đầu của các tổ, đội tuyên truyền văn hóa trong BĐBP Lai Châu, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo 13 đồn Biên phòng thành lập 13 tổ tuyên truyền văn hóa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa Thông tin các huyện biên giới triển khai 2.942 buổi chiếu phim tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; chuyển thể sân khấu hóa, tuyên truyền lồng ghép trong 334 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó, biểu diễn tại vùng sâu, vùng xa, biên giới với 241 buổi; 240 buổi hướng dẫn văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; 11 cuộc triển lãm tranh, ảnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức thành công 12 cuộc hội thi, hội diễn có sự tham gia của các huyện, thành phố, các lực lượng vũ trang như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã biên giới; Liên hoan các đội văn nghệ quần chúng tiêu biểu; Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới...

Có thể nói, việc lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân KVBG thông qua các tổ, đội tuyên truyền văn hóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ do BĐBP tỉnh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức thực hiện là một trong những kênh thông tin quan trọng, cầu nối để truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở KVBG, phát huy được vai trò của nhân dân trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự ở KVBG...

Để công tác truyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân KVBG đạt được hiệu quả cao, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Lai Châu cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung và cho cán bộ, nhân dân KVBG nói riêng. Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; vận động cán bộ và nhân dân chấp hành pháp luật và tích cực tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Tăng cường công tác phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao giữa các ban, sở, ngành và Hội đồng PBGDPL của tỉnh trong quá trình phối hợp thực hiện Đề án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn. Cơ quan được giao chủ trì thực hiện Đề án phải đề cao trách nhiệm trong công tác tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cho từng giai đoạn cụ thể. Thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện và kiểm tra đánh giá đúng thực chất kết quả triển khai thực hiện của từng cơ quan đơn vị để tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh có biện pháp uốn nắn, nhắc nhở kịp thời.

Tiếp tục thay đổi nội dung mới, format, PBGDPL phương pháp; chủ động trong công việc soạn thảo tài liệu, tờ rơi, tờ gấp PBGDPL bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc; xây dựng pa nẹt, áp dụng tại các biên giới xã hội; đầu tư vật chất bảo đảm công việc truyền thông, PBGDPL cho Bộ trưởng, nhân dân ở KVBG. Đặc biệt, trò chơi phát huy, vị trí của các tổ, đội truyền thông BĐBP gắn với văn hóa để lồng ghép thông tin, PBGDPL cho bộ phận, nhân dân KVBG nắm chắc, hiểu rõ pháp luật.

Đại tá Phan Hồng Minh , Chính ủy BĐBP Lai Châu

Bình luận

ZALO