Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng chống thiên tai

Biên phòng - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến “Phụ nữ với thiên tai”. Chương trình nhằm nhấn mạnh vai trò của phụ nữ cũng như đưa ra các giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong PCTT.

Các nữ giáo viên cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh tham gia dọn dẹp trường học sau mưa lũ tại Hà Tĩnh cuối năm 2020. Ảnh: Thế Mạnh

Tham dự chương trình có ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; chị Phùng Thị My Ni, Chủ tịch UBMTTQ-Đội phó phụ trách hậu cần của Đội Xung kích PCTT xã Đông, huyện KBang, tỉnh Gia Lai và nữ ca sỹ Sèn Hoàng Mỹ Lam - Giải Nhất “Sao Mai 2017”, “Người hát tình ca 2018”.

Tại tọa đàm, các vị khách mời đã cùng chia sẻ những câu chuyện về “góc nhìn của phụ nữ về thiên tai”, bình luận xoay quanh các vấn đề “nhìn nhận đúng về phụ nữ trong thiên tai” và đưa ra các đề xuất, kiến nghị “làm thế nào để phát huy năng lực, đóng góp của phụ nữ với công tác PCTT”.

Là một người con của dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại tỉnh miền núi Lào Cai, nữ ca sỹ Sèn Hoàng Mỹ Lam mang đến chương trình những ký ức ngày bé của một thiếu nữ vùng cao mỗi mùa mưa lũ.

Mỹ Lam mong muốn phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm nhiều hơn, trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai, để có thể tự bảo vệ mình và những người thân khi không may có sự cố xảy ra.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ: “Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở một số nơi, không chỉ gia tăng rủi ro và tác động của thiên tai lên phụ nữ mà còn hạn chế khả năng và đóng góp của phụ nữ trong ứng phó với thiên tai. Vẫn còn định kiến giới, cho rằng thiên tai là “lĩnh vực của nam giới” chứ không phải công việc của phụ nữ dẫn đến cách tiếp cận thiên vị là tập trung vào bảo vệ phụ nữ hoặc coi họ là nạn nhân nhưng không phải là tác nhân bình đẳng trong PCTT.

Điều này dẫn đến việc phụ nữ bị hạn chế tiếp cận các khóa đào tạo hoặc nâng cao năng lực về PCTT, cảnh báo sớm và lập kế hoạch hoặc ra quyết định về PCTT tại cộng đồng. Thực tế hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, nam giới di cư ra thành phố làm việc còn nữ giới ở lại nhà, họ là người đảm nhận mọi công việc trong cộng đồng, trong đó có PCTT”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh, phụ nữ vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là nhân tố quan trọng trong quá trình phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai.

Tại nhiều tỉnh/thành, Hội LHPN các cấp đã tổ chức các lớp dạy tập bơi cho trẻ em; hướng dẫn chị em thực hành các bước chuẩn bị PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”; truyền đạt cách thức đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường để phòng tránh bệnh tật sau thiên tai.

Với mạng lưới ở cộng đồng, các cấp Hội thu thập và cung cấp số liệu phụ nữ và trẻ em gái bị thiệt hại, nắm nhu cầu, tình hình thiệt hại của phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các lĩnh vực (nước sạch vệ sinh môi trường, dinh dưỡng anh ninh lương thực, sức khỏe, an toàn, an ninh, nơi tạm lánh….) giúp giải quyết tốt vấn đề thông tin hai chiều; từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai.

Bên cạnh những thuận lợi, bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng khẳng định, còn những khó khăn cơ bản. Đó là: Vẫn tồn tại sự nhìn nhận chưa đúng, chưa công bằng của xã hội, các cấp, các ngành đối với vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng chống lũ lụt; tồn tại những định kiến đối với phụ nữ trong thiên tai như quan điểm cho rằng phụ nữ là “nhóm nạn nhân”; “phụ nữ không nên tham gia vào các hoạt động quản lý giảm thiểu rủi ro thảm hoạ như trong Ban Chỉ huy, đội cứu hộ, chỉ nên coi họ là một trong những đối tượng cần quan tâm đặc biệt trong thảm hoạ”.

Định kiến này trong bối cảnh thiên tai sẽ khiến vai trò tham gia của phụ nữ ở thế thụ động, phụ nữ bị hạn chế tham gia. Bởi vậy, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cho rằng, các kế hoạch hành động PCTT/thích ứng với BĐKH ở tất cả các cấp cần được xây dựng theo phương pháp có sự tham gia của đầy đủ các thành phần, bao gồm nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi và trình độ, sử dụng phương pháp tiếp cận quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng để phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác PCTT, cần tạo thêm không gian hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ để họ có thể đóng góp nhiều hơn vào công tác PCTT tại Việt Nam, nhưng cũng để các công việc và đóng góp của họ được nhiều người biết đến và được ghi nhận nhiều hơn. Năng lực, kiến ​​thức, kỹ năng và quan điểm của phụ nữ sẽ làm cho các hoạt động PCTT hiệu quả hơn, bao trùm và bền vững hơn.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO