Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý, bảo vệ rừng

Biên phòng - Những năm qua, Vườn quốc gia (VQG) Yok Don đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, phát huy sức mạnh của nhân dân trong quản lý, bảo vệ rừng. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả tích cực là giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng các thôn, buôn vùng đệm. Lợi ích kép mang lại là, tài nguyên rừng vừa được bảo vệ và phát triển, đồng thời, người dân vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Người dân được giao khoán rừng cùng lực lượng Kiểm lâm VQG Yok Don tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Lân

VQG Yok Don được thành lập năm 1992, có diện tích 115.545ha. Đây là nơi duy nhất bảo tồn rừng khộp (DDF) ở Việt Nam. DDF là một kiểu hệ sinh thái rừng độc đáo, có nhiều loài quan trọng và đặc hữu. Trong đó, có nhiều loài được liệt kê trong Sách đỏ IUCN.

Ông Nguyễn Hữu Tạo, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Don cho biết: VQG Yok Don có diện tích rừng rộng lớn, trải rộng trên địa bàn 7 xã của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Dân cư sinh sống xung quanh VQG khoảng 50 nghìn người, đời sống người dân vùng đệm còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc chính vào nông nghiệp. Thêm vào đó, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, năng suất từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, trình độ canh tác còn lạc hậu, đặc biệt, phong tục, tập quán của người dân nơi đây còn dựa vào rừng như hái lượm, săn bắt... để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Đỉnh điểm là vào năm 2014, lực lượng chức năng VQG đã phát hiện và xử lý 1.400 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Trước tình hình đó, cùng với triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm áp lực vào rừng, VQG Yok Don đã tiến hành thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng nhân dân vùng đệm. Hiện nay, VQG Yok Don đã giao khoán 17.500ha rừng cho 19 cộng đồng thôn, buôn vùng đệm, với trên 2.300 hộ dân nhận giao khoán thuộc 2 huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp. Trong đó, 18 cộng đồng ở huyện Buôn Đôn và 1 cộng đồng thuộc huyện Ea Súp. Tính riêng từ năm 2019 đến nay, VQG Yok Don đã chi trả gần 17,5 tỷ đồng cho 19 cộng đồng thôn, buôn nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Buôn Ea Pri, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn có 46 hộ gia đình được giao khoán gần 3.000ha rừng. Những hộ gia đình nhận giao khoán đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Theo như quy định giao khoán, đại diện các hộ gia đình trong buôn theo lịch phân công sẽ tham gia cùng với lực lượng Kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm số 2 (VQG Yok Don) tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học; kịp thời phát hiện và báo cáo các hoạt động xâm hại đến rừng; tham gia các hoạt động phòng, chống cháy rừng như phát dọn thảm thực vật, tạo đường băng cản lửa...

Ông Bùi Chí Linh, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 2 cho biết: “Trạm Kiểm lâm số 2 được giao quản lý 5 buôn nhận giao khoán, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng buôn và bảo vệ an toàn cho các khu vực rừng được giao khoán. Đơn vị đã chủ động phân chia lịch tuần tra, mỗi buôn sẽ phụ trách một tuần, sau đó đến buôn khác. Mỗi đợt chia thành từng tốp, từng tổ đi tuần tra quản lý, bảo vệ rừng cùng với lực lượng Kiểm lâm của Trạm. Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động tuần tra quản lý, bảo vệ rừng cũng được lồng ghép thêm nội dung tuyên truyền. Trước mỗi buổi tuần tra, cán bộ Trạm Kiểm lâm sẽ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân những nội dung quan trọng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là những văn bản mới. Việc tuyên truyền ngay tại rừng vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, đồng thời, trực quan môi trường sinh động, thực tế, giúp người dân tiếp thu dễ dàng hơn. Sau khi được tuyên truyền, mỗi người dân trở về địa phương trở thành một kênh tuyên truyền quan trọng, mang thông điệp bảo vệ rừng đến với cộng đồng dân cư”.

Anh Y Koan Aroh, Buôn trưởng buôn Ea Pri, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn nói: “Việc giao khoán rừng chung cho cộng đồng buôn đã mang lại hiệu quả, thay đổi hoàn toàn nhận thức của bà con trong buôn. Ví dụ như trước đây, trong buôn có ai sống phụ thuộc vào rừng, hoặc có hiện tượng xâm hại đến rừng thì bà con không quan tâm, cũng không tố giác. Nhưng từ khi tham gia nhận giao khoán rừng, bà con thấy hiện tượng trên đã đứng lên tố giác để không bị ảnh hưởng đến việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, vì rừng đem lại thu nhập cho bà con trong buôn. Trung bình hằng năm, buôn sẽ nhận hỗ trợ khoảng 115 triệu đồng, tương đương 2,5 triệu đồng/hộ/năm”.

Có thêm nguồn thu nhập từ lợi ích của rừng mang lại cho người dân, điều đó cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của dân với rừng ngày càng tăng lên, chia sẻ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với cơ quan quản lý Nhà nước. Thông qua việc theo dõi danh sách, tiến hành chấm công, quản lý số lượng người trong thôn, buôn tham gia tuần tra, bảo vệ rừng hằng ngày và kết quả nghiệm thu diện tích rừng giao khoán, lực lượng chức năng đã có cơ sở để đánh giá rừng có bị xâm hại hay không. Nếu cộng đồng thôn, buôn nào để bị mất rừng sẽ bị trừ tiền hỗ trợ chung của cả cộng đồng buôn, thôn đó. Hoặc nếu như có cá nhân tham gia giao khoán trong thôn, buôn bị xử phạt vi phạm quy định bảo vệ rừng (dù ở bất kỳ đâu) thì cũng đều bị trừ mức hỗ trợ chung của cả cộng đồng. Vậy nên, ý thức trong bảo vệ rừng, bảo vệ thành quả chung của người dân trong buôn, thôn được nâng cao. Mặt khác, việc giám sát lẫn nhau giữa các hộ dân được phát huy hiệu quả, tính cộng đồng sẽ hạn chế tối đa việc vi phạm của cá nhân.

Là một trong những hộ gia đình nhận giao khoán rừng của buôn Ea Pri, anh Y Kương Hra chia sẻ: “Trước khi chưa nhận giao khoán, trong buôn cũng có nhiều người vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Ngay cả bản thân tôi cũng từng vi phạm, nhưng từ khi buôn nhận bảo vệ rừng rồi thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ rừng không để ai chặt phá, rừng lại cho chúng tôi nguồn thu nhập hằng năm. Nếu thấy người lạ đi vào rừng mà có dấu hiệu xâm hại đến rừng, thì chúng tôi đều báo cho lực lượng Kiểm lâm VQG để kịp thời xử lý”.

“Khi người dân vùng đệm đồng hành, chung sức quản lý, bảo vệ rừng, họ sẽ trở thành “tai, mắt” và “cánh tay” đắc lực của lực lượng Kiểm lâm trong phát hiện các đối tượng có ý định xâm hại rừng. Từ đó, thông tin cho lực lượng Kiểm lâm triển khai lực lượng, ngăn chặn kịp thời khi các đối tượng mới đi vào rừng. Qua từng năm, số lượng vụ việc và tính chất vi phạm đều giảm. Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 11-2021, lực lượng chức năng VQG Yok Don đã phát hiện và xử lý gần 200 vụ vi phạm” - ông Nguyễn Hữu Tạo, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Don nhấn mạnh.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO