Biên phòng - Thời gian qua, cùng với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, lực lượng già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhờ đó mà nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi dịch bệnh trên khu vực biên giới.

Theo chân cán bộ Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hương Nguyên, BĐBP Thừa Thiên Huế, chúng tôi đến thăm gia đình già làng Quỳnh Im, thôn A Roàng 3, xã A Roàng, huyện A Lưới. Như thường lệ, vào mỗi buổi sáng, ông lại lấy những tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 được BĐBP cấp phát để nghiên cứu, ông chia sẻ: “Những ngày đầu khi Việt Nam xuất hiện những ca nhiễm bệnh đầu tiên, cán bộ Biên phòng đã đến cung cấp tài liệu để tôi tuyên truyền cho người dân trong thôn, bản tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Từ khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với cán bộ Biên phòng, chúng tôi đến từng nhà dân để tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhờ đó, ý thức phòng, chống dịch của các hộ dân trong thôn, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số đều nâng lên và đa số người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch”.
Dứt lời, ông nhờ chúng tôi kê lại bàn ghế để đón các em học sinh trong thôn đến học cho kịp thời gian. Ông cho biết thêm: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như các địa phương khác, các em học sinh trong thôn phải nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Những ngày gần đây, trường Tiểu học đã liên hệ mượn địa điểm tại gia đình để dạy học, bổ sung kiến thức cho các học sinh trong thôn”.
Đưa con đến học tại gia đình già làng Quỳnh Im, chị Hồ Thị Nhung, thôn A Roàng 3, xã A Roàng, huyện A Lưới nói: “Mỗi khi đưa con đến học, tôi và các phụ huynh khác đều được già làng Quỳnh Im nhắc nhở phải đeo khẩu trang cho con. Ngoài ra, già làng còn hỏi thăm công việc hàng ngày, cũng như hướng dẫn đeo khẩu trang, vệ sinh nhà cửa, cá nhân sạch sẽ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho gia đình”.
Chia tay già làng Quỳnh Im, theo giới thiệu, chúng tôi tìm đến với gia đình già làng Quỳnh Hồng, thôn A Ka, xã A Roàng, huyện A Lưới. Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, chính vì thế, ông được chính quyền và nhân dân tín nhiệm. Trong ngôi nhà nhỏ, những giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành được ông treo trang trọng gần ảnh Bác Hồ, ông tâm sự: “Mình là đảng viên, là người lính Cụ Hồ thì phải làm gương để con cháu trong gia đình và nhân dân học theo. Khi dịch Covid-19 hoành hành thì mình phải tuyên truyền để con cháu, người dân bản mình biết cách phòng, chống, không để nó xâm nhập”.
Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về một thời mang áo lính và cho chúng tôi xem lại những vết thương của ông trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Quảng Trị, Campuchia. Mất một cánh tay, một chân bị thương tật 90%, trên khuôn mặt khắc khoải đầy nếp nhăn ấy bỗng lăn dài những giọt nước mắt xúc động. Ông kể lại: “Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mạnh như thế, mình còn đánh thắng được, thì dịch Covid-19 có là gì. Chính vì thế, cùng với BĐBP, việc đầu tiên là ta phải hướng dẫn cho con cháu trong gia đình. Sau đó là tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch cho các hộ dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số, nhờ đó mà đa số người dân trên địa bàn đều thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch”.
Chị Hồ Thị Hóa, con dâu già làng Quỳnh Hồng chia sẻ: “Mỗi khi cán bộ Biên phòng đến đưa tài liệu để nhờ dịch sang tiếng Tà Ôi, tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch bệnh thì ba tôi lại say sưa ngồi đọc, nghiên cứu, rồi soạn cả đêm. Trong gia đình, ba rất thương con cháu, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Chính vì thế, nghe theo ba, mọi người trong gia đình phải thực hiện tốt việc phòng, chống dịch. Ở trong nhà, khi nào cũng phải vệ sinh sạch sẽ, không có việc cần thiết thì không đi ra ngoài, nếu đi thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc...”.

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn đơn vị quản lý trong thời gian qua, Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết: “Xã A Roàng, huyện A Lưới có hơn 600 hộ, với gần 3.000 nhân khẩu gồm 3 dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và Kinh cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tà Ôi chiếm tới hơn 90% dân số. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chính vì thế, đơn vị đã lập kế hoạch sát, đúng với tình hình địa bàn, khu vực biên giới do đồn phụ trách. Phối hợp chặt chẽ với ban, ngành địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó mà người dân đã nâng cao ý thức và tích cực tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Nhờ việc triển khai tuyên truyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín mà đến thời điểm hiện tại, xã A Roàng nói riêng không có trường hợp nào nhiễm bệnh. Hầu hết các hộ dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và tham gia phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả.
Võ Tiến