Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Thực hiện Chương trình phối hợp số 3758/CTPH-UBDT-BĐBP ngày 1-11-2016 giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP về “Vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2016-2021, 5 năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của hai ngành và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng. Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này.

- Đề nghị đồng chí đánh giá về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc gắn với bảo vệ an ninh biên giới?

- Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 14,2 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các DTTS sinh sống ở 51 tỉnh, thành phố và cư trú chủ yếu ở vùng miền núi biên giới, khu vực rừng phòng hộ xung yếu, nơi đầu nguồn sinh thủy, nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Vì vậy, làm cho đồng bào hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực, quan trọng vào việc ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết đồng bào các DTTS và miền núi nói chung và đồng bào khu vực biên giới nói riêng được nâng lên rõ rệt.

Tôi đánh giá rất cao vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đặc biệt là đã có nhiều hoạt động thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc gắn với bảo vệ an ninh biên giới hiệu quả, góp phần phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Với các chương trình, mô hình được đánh giá cao như: “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”..., BĐBP thực sự là những điểm tựa bản làng.

- Vậy, trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề này có những thuận lợi cũng như khó khăn, hạn chế gì, thưa đồng chí?

- Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc gắn với bảo vệ an ninh biên giới đã được Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, các bộ, ngành triển khai có nhiều kết quả tốt. Hầu hết nhân dân các dân tộc vùng đồng bào DTTS nắm bắt và hiểu được các chủ trương, chính sách, tham gia thực hiện, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội, vùng dân tộc, vùng biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở một số địa phương. Tình trạng di cư tự do, buôn bán ma túy, mua bán phụ nữ và hoạt động tôn giáo trái phép còn diễn ra khá phức tạp tại một số tỉnh vùng cao biên giới... Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc gắn với bảo vệ an ninh biên giới còn tồn tại một số hạn chế như: nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động chưa phong phú; công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao và tình hình khai thác, sử dụng vốn tài liệu, cơ sở vật chất hiện có phục vụ công tác tuyên truyền, vận động còn bất cập.

- Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, theo đồng chí, công tác tuyên truyền cần những sự thay đổi như thế nào cho phù hợp?

- Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang phải thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, công tác tuyên truyền cho vấn đề này được xác định cần có những sự thay đổi phù hợp như chuyển từ hình thức truyền thông trực tiếp (hội họp, tập huấn, tập trung đông người) sang các hình thức gián tiếp (tổ chức trực tuyến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng). Các loại hình này phải phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Đồng thời, tiến hành số hóa các bài giảng, sân khấu hóa các nội dung để truyền tải trên sóng phát thanh, truyền hình.

- Trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP cần được tăng cường, đẩy mạnh như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn, thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc gắn với bảo vệ an ninh biên giới, đòi hỏi sự chung tay, phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp, các địa phương, trong đó, cơ quan dân tộc và BĐBP là hai đơn vị nòng cốt. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2021 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, với các nội dung cụ thể:

Một là, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc, công tác dân tộc, chủ trương công tác ở địa phương. Phối hợp tham gia xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các đoàn thể cơ sở địa bàn biên giới, hải đảo trong sạch, vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; tham mưu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS.

Hai là, tổ chức vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS ở địa bàn biên giới, hải đảo khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; đổi mới, sáng tạo, tích cực tham gia sản xuất, làm kinh tế hộ gia đình giỏi, xóa đói giảm nghèo bền vững; động viên con em đi học; công tác y tế thôn, bản, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba là, nắm chắc tình hình địa bàn biên giới, tổng kết hoạt động thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, để từ đó đề xuất giải pháp phát triển địa bàn biên giới, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách nhằm chăm lo cho sự phát triển của đồng bào dân tộc. Thường xuyên phối hợp vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn biên giới và đấu tranh tố giác tội phạm.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Linh Chi (Thực hiện)

Bình luận

ZALO