Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 09:38 GMT+7

Phát huy vai trò chuyên trách của BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.

zy03_7a
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, BĐBP Đắk Lắk tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Bích Nguyên

Từ bao đời nay, các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Từ khi chính quyền về tay nhân dân, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh BGQG cũng như việc xây dựng lực lượng chuyên trách thực thi công tác biên phòng... Mặt khác, để quản lý, bảo vệ BGQG, Nhà nước ta đã ký kết nhiều Điều ước quốc tế với các nước có chung biên giới và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về biên giới. Các văn bản quy phạm pháp luật ở trong nước (nội luật) đã xác định cụ thể phạm vi khu vực biên giới (KVBG) và trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, bảo vệ BGQG và KVBG; trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách.

Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/NĐ-TTg ngày 3-3-1959 về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội quốc phòng, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang (CANDVT); trong đó quy định: “Nay thống nhất các đơn vị Bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an” (Điều 1, Nghị định số 100/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Để quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, Chính phủ đã ban hành các nghị định: Nghị định số 427/NĐ-HĐBTngày 12-12-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về Quy chế KVBG Việt Nam - Lào; Nghị định số 42/NĐ-HĐBTngày 29-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về Quy chế KVBG Việt Nam - Campuchia; Nghị định số 99/NĐ-HĐBTngày 27-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về Quy chế KVBG Việt Nam - Trung Quốc; Nghị định số 289/NĐ-HĐBTngày 10-8-1992 của Hội đồng Bộ trưởng sửa đổi một số điều trong Quy chế KVBG Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc; Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 8-8-2000 về Quy chế KVBG đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 thay thế Nghị định 34 ngày 8-8-2000; Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18-12-2003 về Qui chế KVBG trên biển và Nghị định số 71 ngày 3-9-2015 thay thế Nghị định số 161/2003/NĐ-CP...

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều xác định: BĐBP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan có liên quan trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG đất liền và trên biển.

Tuy nhiên, tổ chức của lực lượng CANDVT qua nhiều lần chuyển đổi (lúc ở Bộ Công an, khi chuyển sang Bộ Quốc phòng quản lý và ngược lại) nên việc xây dựng hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của CANDVT (nay là BĐBP) chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu dựa trên cơ sở các nghị quyết, nghị định và chỉ thị, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Vì vậy, ngày 28-3-1997, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khóa IX đã ban hành Pháp lệnh BĐBP...

Pháp lệnh BĐBP được ban hành đã đánh dấu bước phát triển mới trong công tác lập pháp đối với lĩnh vực quản lý, bảo vệ BGQG nói chung và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG nói riêng; trong đó, quy định: BĐBP “làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định...” (Điều 1, Pháp lệnh BĐBP). 

Tiếp đó, để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về BGQG; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, Quốc hội (Khóa XI) đã ban hành Luật BGQG, một lần nữa đã khẳng định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG theo quy định của pháp luật” (Điều 31, Luật Biên giới quốc gia).

Có thể nói, hệ thống pháp luật ở Việt Nam; trong đó, có Pháp lệnh BĐBP - với tư cách là văn bản quy phạm pháp luật đều đã xác định: BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG...

Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ BGQG và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG đã đạt được những thành tựu to lớn. Biên giới được giữ vững, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG được đảm bảo, tạo môi trường và không gian hợp tác, phát triển với các nước láng giềng và bạn bè quốc tế. Những thành tựu đã đạt được có vai trò to lớn của BĐBP - với tư cách là lực lượng chuyên trách công tác biên phòng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh BGQG trong tình hình mới đã khác trước, biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành phân giới cắm mốc; biên giới Việt Nam - Lào hoàn thành dự án tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới và đang đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia...

Mặt khác, có nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ BGQG nói chung và nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP nói riêng mới ban hành và có nhiều thay đổi... Hơn nữa, Pháp lệnh BĐBP qua 20 năm thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, chi phối đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ BGQG... Chẳng hạn, có những quy định tại Pháp lệnh BĐBP nhưng chưa được hiện thực hóa trên thực tế (như Điều 6), quy định phạm vi hoạt động của BĐBP tại Pháp lệnh BĐBP và phạm vi hoạt động của Cảnh sát Biển, Kiểm ngư còn có trùng chéo; đặc biệt, việc xác định chức năng của BĐBP tại Điều 1, Pháp lệnh BĐBP là không rõ ràng, thiếu chính xác đã tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ.

Với những lý do trên cho thấy, cần thiết phải tổ chức rà soát hệ thống pháp luật nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ BGQG nói riêng; trong đó, có Pháp lệnh BĐBP để bổ sung, chỉnh sửa hoặc hợp nhất, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nước nhà... Mặt khác, cần sớm xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của hệ thống pháp luật của Nhà nước nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG nói riêng.

Phạm Công Minh

Bình luận

ZALO