Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Phát huy vai trò cán bộ Biên phòng là người dân tộc thiểu số

Biên phòng - Gần 5 năm qua, BĐBP Kon Tum đã thực hiện có hiệu quả mô hình cán bộ Biên phòng là người dân tộc thiểu số (DTTS) hỗ trợ các hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới. Đến nay, mô hình này đã tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS nghèo được tiếp cận những cách làm kinh tế mới, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Không chỉ giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, Đại úy A Vữh luôn gần dân, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Văn Lý

Là hộ nghèo, chưa biết cách phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 2018, ông A Liên (trú tại thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã được Đồn Biên phòng Sa Loong, BĐBP Kon Tum hỗ trợ 3 con heo giống, 20 con vịt và cử Đại úy A Vữh, Đội phó Đội Vận động quần chúng tiến hành kết nghĩa, hướng dẫn gia đình ông A Liên cách chăn nuôi, canh tác thêm lúa nước. Với phương thức "cầm tay chỉ việc", sau hơn 2 năm, gia đình ông A Liên đã có nguồn thu nhập từ nuôi heo và trồng cây lúa nước. Năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo và sửa chữa lại căn nhà khang trang hơn.

Ông A Liên chia sẻ: “Từ ngày kết nghĩa với cán bộ Vữh, gia đình tôi rất phấn khởi vì anh đã tận tình hướng dẫn cách trồng mì, làm lúa nước 2 vụ. Trước kia, gia đình tôi chủ yếu canh tác theo cách chọc lỗ, tỉa hạt ở đồi, bây giờ thì ruộng một năm hai vụ. Cán bộ Vữh giống như người trong nhà vậy”. Được đơn vị giao nhiệm vụ, Đại úy A Vữh đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu nhiều kiến thức tổng hợp, đặc biệt là về chăn nuôi, trồng trọt để hướng dẫn, giúp đỡ gia đình ông A Liên biết cách làm ăn, nâng cao thu nhập.

Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới nằm trên địa bàn 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai, phần đông là người DTTS sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum luôn xác định, để thực hiện tốt nhiệm vụ thì bộ đội phải đồng hành với nhân dân, giúp đỡ người dân nâng cao đời sống, thực hiện tốt an sinh xã hội.

Do vậy, những năm qua, BĐBP Kon Tum đã triển khai nhiều mô hình, chương trình như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đưa đảng viên xuống sinh hoạt tại các chi bộ thôn và giúp đỡ người dân thoát nghèo”. Đặc biệt, mô hình “Phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình người DTTS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới” đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết: “Đảng ủy BĐBP Kon Tum xác định, các cán bộ người DTTS được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cử đi đào tạo tại các trường trong và ngoài lực lượng BĐBP, sau đó, trở về công tác tại các đơn vị BĐBP tỉnh. Do vậy, hơn ai hết, chính họ là người hiểu hơn về phong tục, tập quán của người DTTS nơi mình sinh sống. Thông qua các cán bộ người DTTS, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ đến gần hơn với người dân, qua đó thúc đẩy cuộc sống ngày càng phát triển đi lên”.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã và đang tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình trên toàn tuyến biên giới Kon Tum. Đến nay, các đồn Biên phòng tại Kon Tum đã phân công 42 lượt đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người DTTS kết nghĩa với 45 hộ gia đình người DTTS nghèo trên địa bàn biên giới của tỉnh.

Khi được phân công kết nghĩa, các đảng viên Biên phòng đã gắn bó mật thiết với các hộ nghèo; tích cực hướng dẫn bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế và biết chăm lo cho cuộc sống gia đình. Với tinh thần trách nhiệm cao, đến nay, các đảng viên được phân công đã giúp đỡ 28 hộ gia đình người DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại úy A Vữh hướng dẫn ông Liên cách chăn nuôi (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Văn Lý

Trung tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ban quản lý thôn và các hộ gia đình tổ chức rà soát rồi phân công chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, trong đó, tập trung vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, trên địa bàn đơn vị quản lý đã có 5 hộ dân được giúp đỡ. Các hộ gia đình này chủ yếu tập trung trồng cây cà phê và nuôi cá, kinh tế phát triển tốt”.

Ngoài việc giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo bền vững, các đảng viên còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bà Y Ly Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao sự giúp đỡ của các cán bộ Biên phòng và mong rằng ngày càng có nhiều gia đình được giúp đỡ hơn nữa”.

Bằng tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS trong BĐBP Kon Tum không chỉ giúp các hộ dân thoát nghèo mà còn để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Văn Lý

Bình luận

ZALO