Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 04:24 GMT+7

Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa

Biên phòng - Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, văn hóa nước ta có cơ hội để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, song, cũng đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là ngôn ngữ, chữ viết, trang phục... Do vậy, mục tiêu đặt ra là làm thế nào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để giữ vững nền tảng tinh thần, các giá trị đạo đức xã hội trong hội nhập và phát triển đất nước. Và vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (thứ 2, từ phải sang); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (thứ nhất, bên trái) và bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thứ nhất, bên phải) tham gia tọa đàm, trao đổi tại Diễn đàn văn hóa. Ảnh: Trần Minh

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng các giá trị, chuẩn mực và quy tắc ứng xử cộng đồng, mà ở đó, mỗi cộng đồng sẽ có những thực hành văn hóa riêng. Do đó, muốn xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, thì trước hết, phải xây dựng môi trường văn hóa tộc người với những truyền thống văn hóa tốt đẹp được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, gắn phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, do sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số cũng như điều kiện sống, cùng với đó là quá trình đô thị hóa nông thôn cùng quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS bị mai một.

Do vậy, để thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định chủ đề công tác năm 2022 của ngành là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ”. Với chủ đề này, đi đôi với việc tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, cải cách hành chính của toàn ngành hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành văn hóa là tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đó là môi trường mà cuộc sống mỗi con người hàng ngày, hàng giờ được hòa mình trong đó, giúp người ta hình thành nhân cách, đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội..., hình thành nên những giá trị văn hóa có tính phổ quát, tạo nên chuẩn giá trị văn hóa con người Việt Nam.

Đồng thời, mới đây, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa”. Tại diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam khẳng định, cần phải đẩy mạnh việc sưu tầm, bảo vệ các di sản văn hóa của các tộc người liên quan đến di dân, tái định cư, đồng thời, tạo cơ hội cho các tộc người lựa chọn các hình thức chuyển cư và cư trú phù hợp với phong tục, tập quán, tránh sự “đứt gãy” văn hóa tộc người.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức tự hào về di sản văn hóa của các tộc người, vì chính họ là chủ sở hữu di sản văn hóa và là lực lượng quan trọng nhất bảo tồn, làm giàu và phát huy di sản đó trong đời sống đương đại và trong tương lai. Đặc biệt chú ý tăng cường yếu tố văn hóa quốc gia ở vùng biên cương - nơi thường xuyên diễn ra quá trình giao lưu kinh tế-văn hóa nhưng cũng thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xung đột. “Nếu không có các giải pháp kịp thời, thì trong vài ba thập kỷ tới, nhiều tộc người chỉ còn bản sắc trong ký ức”? - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam nhấn mạnh.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ở vùng đồng bào DTTS, công tác xây dựng môi trường văn hóa cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương để có những chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp. Đồng thời, phải chú trọng nội dung phát huy giá trị truyền thống xây dựng gia đình, dòng họ, làng bản trở thành môi trường văn hóa bền vững.

Theo ông Sơn, với công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, sự tiếp biến văn hóa càng diễn ra mang tính chất xuyên tộc người, xuyên biên giới. “Mạng xã hội phát triển, biến đổi không ngừng, do vậy, cần nghiên cứu mạng xã hội, biến nó trở thành một thiết chế văn hóa trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước. Theo đó, ngành văn hóa - thông tin cần phải có giải pháp quản lý mạng xã hội, vừa phải có giải pháp phát huy tính tích cực của mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa

Nhiều nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa đều nhất trí cho rằng, cộng đồng có vai trò đặc biệt trong việc tổ chức các sự kiện để vừa tạo ra bản sắc độc đáo của văn hóa địa phương, vừa kích thích sự chủ động, tích cực của người dân trong việc tổ chức và tham gia sự kiện. Tại Diễn đàn văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, thì các sự kiện phải huy động được sự tham gia của các cộng đồng và tôn trọng sự sáng tạo của cộng đồng.

Tuy nhiên, việc huy động này phải quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của cộng đồng, nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho nhà tổ chức và cho cả cộng đồng.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vi Thanh Hoài khẳng định: Sau 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo được các cấp, các ngành và người dân chủ động thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực; nhiều nội dung đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành việc làm hàng ngày, thường xuyên của người dân với những tiêu chí rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ngày càng tốt đẹp, lành mạnh.

Từ cá nhân, gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, lấy đó làm động lực thúc đẩy các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội. Một diện mạo đời sống văn hóa mới từng bước được hình thành. Đặc biệt, những chuyển biến rõ nét là việc xây dựng gia đình văn hóa - tế bào của xã hội, với những truyền thống tốt đẹp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền... ngày càng được phát huy, nhân rộng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, sau một thời gian dài, do điều kiện kinh tế-xã hội và đặc biệt là trình độ dân trí của các cộng đồng đã khiến cho các cộng đồng không mang tính cố kết, không thể hiện sự thống nhất và đặc biệt là không thể hiện trí tuệ tập thể để có thể đại diện cho một chủ thể văn hóa nhất định. Điển hình như hương ước đóng vai trò như một nguyên tắc định hướng chung mà cộng đồng thôn bản, buôn làng phải tuân theo. Song hiện nay, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều chuẩn mực nếp sống văn hóa của thôn bản, buôn làng không được cộng đồng thực hiện nghiêm túc.

Chính vì vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, để xây dựng môi trường văn hóa, phát huy vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS, thì vấn đề cấp bách hiện nay là phải đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng và quản lý mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa và chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa.

Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhất là khi xây dựng môi trường văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, ngành văn hóa cần có những giải pháp mang tính cấp bách cũng như lâu dài phù hợp với tình hình thực tế để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS trên tinh thần phát huy vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.

Hoa Hạ

Bình luận

ZALO