Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 05/10/2023 09:35 GMT+7

Luật Quốc phòng (sửa đổi):

Phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Biên phòng - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã thảo luận một số nội dung sửa đổi, bổ sung Dự án Luật Quốc phòng và dự kiến ngày 8-6-2018, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua. Dự án luật này được chỉnh lý 7 chương, 41 điều quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

k3ft_3a
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Ảnh: Danh Anh

Trước khi các đại biểu thảo luận, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đã có báo cáo giải trình về căn cứ quy định phòng thủ quân khu. Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, quy định phòng thủ quân khu nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị. Mặc dù quân khu không phải cấp hành chính, song có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong phòng thủ đất nước để bảo vệ từng vùng, miền, hướng chiến lược. Quân khu có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và tổ chức hoạt động của khu vực phòng thủ, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng trên địa bàn. Khi có chiến sự, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ địa phương. Thực tế cho thấy, các quân khu đã đóng góp quan trọng vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đối với đề nghị cân nhắc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết: “Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị; cụ thể Khoản 13, Điều 70, Hiến pháp năm 2013; kế thừa Điều 31, Luật Quốc phòng hiện hành, thống nhất với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2014. Trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang đã xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập về “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” là phù hợp.

Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao đối với dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Cho ý kiến về quy định tại Khoản 2, Điều 36 quy định Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các bộ, ngành, chính quyền địa phương... bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) cho rằng: Quy định như vậy là phù hợp với các chỉ thị của Đảng, pháp luật hiện hành quy định và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biên giới.

“Trong các văn bản hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh BĐBP, Pháp lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đều quy định Bộ Quốc phòng, BĐBP, Cảnh sát Biển là lực lượng nòng cốt, chủ trì, chuyên trách phối hợp với các bộ, ngành, địa phương duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, cửa khẩu, hải đảo và thềm lục địa. Vì vậy, đề nghị QH giữ nguyên Khoản 2, Điều 36 của dự thảo Luật”. - Đại biểu Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh.

Quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng (Điều 16) của dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, quy định này đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lý giải: "Dự thảo đã quy định nguyên tắc, chính sách lớn về sự kết hợp hai chiều giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội, thể hiện sự gắn kết xuyên suốt giữa hai lĩnh vực này, có sự thống nhất trong quản lý điều hành của Nhà nước, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội".

Để làm sáng tỏ vấn đề, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phân tích, quân đội làm kinh tế để thực hiện 3 chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, đã được ghi trong các văn kiện Đảng, Nhà nước và được nhiều chuyên gia nước ngoài thừa nhận tính hiệu quả của việc quân đội khi tham gia lao động, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh; hiện thực hóa quy định “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” của dân tộc. Đồng thời, cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm ra của cải, vật chất nâng cao đời sống cho bộ đội, tu bổ nơi ở, chỗ làm việc, củng cố trận địa, thao trường, bãi tập, làm cho quân đội ta mạnh lên, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

“Các đoàn kinh tế quốc phòng đứng chân trên địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ sống cùng nhân dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, giúp các địa phương thực hiện phân giới cắm mốc, phối hợp với BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị trên biên giới, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại, là một trong những vấn đề có tính quy luật trong quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, khẳng định tính đúng đắn về lý luận, thực tiễn xuyên suốt của Đảng ta” - Đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh.

Danh Anh

Bình luận

ZALO