Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 03:09 GMT+7

Phát huy sức mạnh tổng hợp đẩy lùi tội phạm mua bán người

Biên phòng - Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 30/7, tại tỉnh Sơn La, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và các cơ quan chức năng tổ chức Tọa đàm “Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Viết Lam

Các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Chính ủy Quân khu 2; Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; Ngài Tonny Đỗ, Trưởng Văn phòng chi nhánh Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam đồng chủ trì tọa đàm.

Dự Tọa đàm còn có đại biểu các đơn vị: Cục Bảo vệ trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Ban Tuyên giáo, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Cục Chính trị BĐBP; Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La; các cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Quân khu 2; Cục Nghiệp vụ pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam); các sở, ban ngành tỉnh Sơn La; Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam; Tổ chức Trẻ em Rồng xanh tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP nêu rõ, trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Thành phần, đối tượng phạm tội đa dạng, bao gồm: những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; người thường xuyên qua lại khu vực biên giới; người nhà nạn nhân sinh sống và định cư ở nước ngoài và thậm chí là nạn nhân của các vụ mua bán người trước.

Các đối tượng trong và ngoài nước hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng xã hội trực truyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về y tế, nhân đạo, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh…; lợi dụng hình thức thăm thân, du lịch hoặc tổ chức các đường dây xuất cảnh trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ rồi đưa đến các cơ sở lao động cưỡng bức…

Đại biểu Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Quân khu 2) tham gia tọa đàm. Ảnh: Viết Lam

Tình hình di dịch cư tự do, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép sang các nước tiếp giáp, các nước trong khu vực, thậm chí sang các nước châu Âu, châu Mỹ diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số nạn nhân và mức độ nghiêm trọng.

Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ lương cao”; sau đó đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), bị ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ. Số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đòi tiền chuộc.

Tình hình trên đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, để lại hệ lụy rất lớn cho người dân, gia đình và xã hội. Tình hình mua bán người trong nước cũng diễn biến phức tạp. Nổi lên là hoạt động lừa gạt, cưỡng bức lao động trên biển tại các tỉnh tuyến biển phía Nam, nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu và mua bán người để ép hoạt động mại dâm trong các cơ sở giải trí trá hình.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ Quốc phòng vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống mua bán người và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77vụ/42 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 118 nạn nhân. Riêng tháng 7/2022 - Tháng hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15 vụ/8 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 33 nạn nhân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Tọa đàm "Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người" được tổ chức với mục đích tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người (30/7), Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7), nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người.

Đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tham gia tọa đàm. Ảnh: Viết Lam

Qua đó, làm giảm tội phạm mua bán người, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, biển, đảo và khu vực đóng quân; nâng cao trách nhiệm và vai trò của Quân đội, góp phần khẳng định sự nỗ lực và chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị, cơ quan chức năng đã nêu lên những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trong thời gian tiếp theo.

Viết Lam

Bình luận

ZALO