Biên phòng - Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có đường biên giới dài 90km, tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 53,6%; có 3 tôn giáo chính là Thiên chúa, Tin lành, Phật giáo chiếm 8,3% dân số.

Nhận thức rõ vị trí chiến lược đặc biệt của biên giới quốc gia, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng biên giới, hải đảo, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, phát triển toàn diện khu vực biên giới, nhằm tăng cường sức mạnh toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện được tỉnh luôn quan tâm, đó là tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Với vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hướng ra biên giới bằng những việc làm cụ thể như tham gia các Chương trình: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Nghĩa tình Trường Sơn”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Trong 10 năm qua, dưới sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đã có gần 200 căn nhà, 3 công trình dân sinh được triển khai xây dựng trên khu vực biên giới Gia Lai và hàng trăm căn nhà được sửa chữa, gia cố với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14c, hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, lưới điện quốc gia và hệ thống cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế, phục vụ tốt nhất nhu cầu đời sống người dân vùng biên giới. Dưới “mái nhà” đại đoàn kết, các chủ nhân vùng biên giới còn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, trong đó có những chương trình thực sự trở thành giải pháp cứu cánh cho người nghèo như chương trình hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, y tế... Từ nguồn vốn ngân sách và đóng góp của xã hội, người dân khu vực biên giới đã được tiếp nhận gần 60 ngàn cây, con giống các loại, trên 30 ngàn kg lương thực, hàng chục ngàn suất quà với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng để giải quyết những khó khăn trước mắt và góp phần tạo ra sinh kế lâu dài giúp bà con thoát nghèo vươn lên.
Bên cạnh nguồn lực từ hậu phương hướng ra biên giới là những đóng góp thầm lặng nhưng đầy hiệu quả của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các xã, thôn, làng biên giới đã đồng cam cộng khổ với chiến sĩ Biên phòng để đồng hành với nhân dân.
Trong 10 năm qua, các “binh chủng hợp thành” này đã tham gia giúp dân gần 75 ngàn ngày công lao động xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở, thu hoạch mùa vụ. Nhờ đó, đã có 11.248 hộ dân thoát nghèo, 39.701 lượt bệnh nhân được khám, điều trị bệnh tại chỗ; hàng trăm trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cắp sách đến trường. Bộ mặt nông thôn biên giới không ngừng được khởi sắc; trật tự trị an xã hội được giữ vững. Đến nay, 100% thôn, làng khu vực biên giới trong tỉnh đã có tổ tự quản với hơn 63% dân số (khoảng gần 7.000 hộ gia đình) tham gia phong trào tự quản. Hằng năm, bên cạnh công tác tuần tra bảo vệ trật tự trị an địa bàn, các Tổ tự quản còn phối hợp với lực lượng Biên phòng tổ chức hàng trăm buổi tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Tham gia xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được MTTQ, các tổ chức đoàn thể phối hợp với BĐBP tổ chức thực hiện hiệu quả trong những năm qua. Nhờ nắm chắc tình hình địa bàn và thực trạng hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở địa phương, MTTQ cùng với BĐBP tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng, từng bước làm thay đổi lề lối, tác phong, nâng cao chất lượng công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Với lực lượng cán bộ tăng cường của BĐBP cho các xã biên giới và số đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn làng theo Quyết định số 345 ngày 25-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã góp phần làm cho “bộ máy” công quyền trên khu vực biên giới vận hành hiệu quả hơn. Khi chất lượng cán bộ được nâng lên thì việc tập hợp sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới sẽ hết sức thuận lợi và mang tính bền vững.
Bên cạnh các hoạt động ở nội biên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên luôn quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc, hai địa phương có chung đường biên giới quốc gia. Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với BĐBP xây dựng 13 căn nhà “Đại đoàn kết hữu nghị”, trong đó, 11 căn cho đồng bào nghèo tại các xã biên giới huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri với số tiền 470 triệu đồng; tham mưu và kết nối việc ký kết chương trình phối hợp giữa Mặt trận cùng các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Gia Lai với Mặt trận đoàn kết và các tổ chức của tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia); tổ chức các đợt thăm hỏi, giao lưu, khám chữa bệnh cho các hộ nghèo của tỉnh bạn.
Có thể nói, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả “Ngày Biên phòng toàn dân”. Nhờ đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới.
Kết quả thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên môi trường, lợi ích quốc gia và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế- văn hóa-xã hội của tỉnh.
Hồ Văn Điềm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai