Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 07:37 GMT+7

Phát huy sức mạnh "biên giới lòng dân" quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Thế trận lòng dân là một trong những nội dung cốt lõi của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), nhằm khơi dậy, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vẻ vang đó. Để có được một thế trận lòng dân vững mạnh, phải thấm nhuần tư tưởng dân là gốc, hiểu rõ sức mạnh của “triệu tai, triệu mắt, triệu chân tay” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh) của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Đặc biệt, phải quy tụ được tình cảm, ý chí, niềm tin và trách nhiệm của nhân dân đối với việc quản lý, bảo vệ BGQG, nghĩa là phải xây dựng được một chiến lược “biên giới lòng dân”, lấy đó làm chỗ dựa để giữ yên bờ cõi.

5b8f63e222f7c723d30000b5
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng tặng quà cho các cháu học sinh tỉnh Sơn La trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” tại Chương trình giao lưu “Sắt son nghĩa tình biên giới Việt - Lào” năm 2017. Ảnh: Hương Mai

“Được lòng dân thì việc gì cũng làm được...”

Trong một bài viết đăng trên Báo Nhân Dân vào đầu tháng 7-1953 (số 122), Bác Hồ nhấn mạnh: “Được lòng dân thì việc gì cũng làm được...”. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải hành động vì dân, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng và ủng hộ. Sinh thời, Bác cũng dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng cho thấy, các vương triều phong kiến tiến bộ rất coi trọng việc ban hành các chính sách để an dân, quy tụ lòng dân, lấy dân làm gốc. Sử sách còn ghi, xưa kia, các vua sáng, tôi hiền phong kiến Việt Nam luôn hiểu rõ sức mạnh của dân nên luôn coi trọng vai trò chiến lược của đồng bào biên giới, lực lượng tại chỗ “đứng mũi chịu sào” nơi tuyến đầu để bảo vệ bờ cõi. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng chiến lược “biên giới lòng dân” trong lịch sử. Thông qua chủ trương cho mở các “bạc dịch trường” (chợ biên giới) để thông thương với nước ngoài, các bậc minh quân khuyến khích nhân dân chú trọng tham gia cùng các “khổn quan” phát triển đồn điền, khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác; cho vay vốn, giống, cấp dụng cụ, trâu, bò, nhằm phát triển kinh tế, xác lập chính quyền nhà nước ở biên giới, khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Cha ông ta còn chú trọng đến việc chọn tướng tài thông thạo việc biên phòng, am hiểu phong tục các dân tộc thiểu số (DTTS), biết phủ dụ, vỗ về, biết thực hiện chính sách “tranh thủ” các thổ tù, châu mục, tầng lớp trên; ban chức tước, cấp ruộng đất; dùng biện pháp hôn nhân để kết thân. Các nhà nước phong kiến cũng luôn tôn trọng phong tục các tộc người biên giới, có chính sách nâng đỡ, “giáo hóa” đồng bào DTTS. Đây chính là chính sách thống nhất văn hóa của nhà nước nhằm tăng cường cố kết, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân trong bảo vệ bờ cõi. Đáng chú ý, các bậc tiền nhân rất chú trọng công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân biên giới hiểu là quốc gia có nhiều tộc người khác nhau nhưng đều là cư dân của một nước thống nhất, nên toàn dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ biên cương, lãnh thổ.

Kể từ khi được thành lập đến nay, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; đồng thời kế thừa và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu của cha ông ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn ý thức một cách đầy đủ: Muốn hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của mình, BĐBP phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc, của từng địa phương, từng phum, sóc, làng, bản cho đến từng người dân mà trực tiếp là đồng bào các dân tộc nơi biên giới để xây dựng "biên giới lòng dân" bảo đảm cho sự thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG. Thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ của BĐBP, đặc biệt qua 30 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân đã khẳng định nhân dân là chủ thể của BGQG, chủ thể bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của biên cương Tổ quốc.

Trải qua bao thế hệ kế tiếp nhau, “phương lược” và “kế lâu dài” về “biên giới lòng dân” vẫn là rường cột trong sức mạnh bảo vệ chủ quyền đất nước, vẫn phát huy tác dụng to lớn và ngày nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương: Nhiệm vụ bảo vệ BGQG thuộc trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phải lấy dân làm gốc, quần chúng nhân dân là chủ thể, LLVT đóng vai trò nòng cốt, lực lượng BĐBP đóng vai trò chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG, đồng thời xác định “biên giới lòng dân” chính là một trong những “phương lược”, “kế lâu dài” để bảo vệ BGQG. Nói cách khác, tiềm lực con người-vai trò của quần chúng nhân dân được Đảng, Nhà nước ta xác định có ý nghĩa, vai trò quan trọng, quyết định, là sức mạnh tiềm tàng để chúng ta có thể bảo vệ vững chắc BGQG trong bất kỳ tình huống nào.

Tiếp tục quy tụ và phát huy sức mạnh “biên giới lòng dân”

Thời gian qua, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, nguyên tắc cơ bản được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, các tỉnh, thành phố có biên giới trong cả nước đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương để xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG dựa trên nền tảng “biên giới lòng dân” ngày càng được củng cố vững chắc.

Đến nay, tiềm lực chính trị-tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng, an ninh của khu vực biên giới được tăng cường, bảo đảm xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra trên biên giới. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ công tác biên phòng, các tỉnh, thành phố biên giới đã có nhiều chủ trương, biện pháp, cách làm sáng tạo để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, củng cố lòng tin của nhân dân biên giới với Đảng, Nhà nước và coi đó là nội dung cốt yếu của tiềm lực chính trị-tinh thần, nhân tố quan trọng bảo đảm tính vững chắc của phên giậu quốc gia.

Bên cạnh đó, các cuộc vận động hướng về biên giới, hải đảo được triển khai rộng khắp trong cả nước, huy động được nguồn lực to lớn giúp đỡ các xã vùng biên giới, ven biển, hải đảo, các đồn, trạm Biên phòng, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc ở biên giới, hải đảo khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày 3-3 hằng năm đã trở thành ngày hội động viên đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo và nhân dân cả nước tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG với tinh thần toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG...

Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế đặt ra những đòi hỏi và yêu cầu mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã được khẳng định trong thực tiễn, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân ở khu vực biên giới, biển, đảo chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống chính trị ở địa bàn biên giới có mặt còn hạn chế; việc tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương của một bộ phận quần chúng chưa thật tích cực, tự giác. Có tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ, chưa thực sự coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng “biên giới lòng dân”.

Trong bối cảnh các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo quần chúng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, việc xây dựng “biên giới lòng dân” vững chắc vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp bách. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 22-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức sơ kết thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019, cần đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới.

Trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, LLVT cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về nội dung, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng “biên giới lòng dân”, phải làm sao để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quán triệt quan điểm “biên giới lòng dân” là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG. Xây dựng “biên giới lòng dân” thực chất là quy tụ và phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, cộng đồng người và cả dân tộc, không phân biệt giai cấp, thành phần dân tộc, tôn giáo. Tất cả nhân dân cùng đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh BGQG mà ông cha ta đã mất bao công sức, máu xương mới gây dựng nên...

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP

Bình luận

ZALO