Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 05:37 GMT+7

Phát huy quyền của trẻ em tham gia các vấn đề xã hội

Biên phòng - Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020”, đến nay, Hội đồng Đội Trung ương đã lựa chọn 5 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” và thu được nhiều kết quả tích cực.

i0xe_hoi-dong-tre-em
Trẻ em đã và đang tham gia đóng góp nhiều ý kiến giúp lãnh đạo các địa phương đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt quyền trẻ em trong xã hội. Ảnh: CTV

Tháng 12-2015, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam tiến hành hội thảo xây dựng mô hình “Hội đồng trẻ em”. Năm 2016, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 5 đoàn công tác làm việc với lãnh đạo 5 địa phương nhằm xây dựng mô hình “Hội đồng trẻ em”.

Trong 6 tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, mô hình “Hội đồng trẻ em” đã được triển khai thí điểm tại Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định và thành phố Hồ Chí Minh. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã tham mưu tổ chức các kỳ họp định kỳ của Hội đồng trẻ em với lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Yên Bái đã tổ chức 2 kỳ họp định kỳ; Hà Nội tổ chức 2 kỳ họp định kỳ; Quảng Ninh tổ chức 1 kỳ họp; TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 kỳ họp và Bình Định tổ chức 1 kỳ họp. Thông qua đó, đã có hơn 3.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cấp cơ sở gửi tới các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các em.

Theo đánh giá của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, mô hình “Hội đồng trẻ em” ra đời đã tạo thêm cơ hội cho trẻ em phát huy tốt quyền của mình tham gia vào các vấn đề xã hội, đặc biệt là liên quan đến trẻ em hiện nay, tạo nên sự bình đẳng và tạo môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ cuộc sống và học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí...

Bên cạnh đó, mô hình này cũng đã phát huy tốt vai trò cầu nối giúp lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ em; tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em và trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

Thùy Chi

Bình luận

ZALO