Biên phòng - Trong những năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn biên giới, hải đảo; xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới…

Nâng cao đời sống cho đồng bào
Theo đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và BĐBP ở các cấp đã đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm và hành động nhân dân, các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”.
Hai bên đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới đến với người dân. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, biển đảo; thực hiện có hiệu quả các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, tạo chuyển biến tích cực cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội..., tạo sự đồng thuận xã hội để xây dựng và bảo vệ biên giới.
Điểm nhấn nổi bật trong công tác phối hợp, đó là hai bên đã thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, vận động kinh phí, cùng với công lao động của bộ đội xây dựng được trên 7.000 căn nhà Đại đoàn kết và gần 300 công trình dân sinh. Trao tặng hơn 25.000 con bò cho đồng bào nghèo nơi biên giới thông qua Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Đặc biệt, hai bên cũng phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xóa 572 thôn, bản trắng đảng viên, phát triển được 17.228 đảng viên mới.
“Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên các tuyến biên giới, MTTQ các cấp và các đơn vị BĐBP đã xây dựng nhiều mô hình hay phát triển phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản khu vực biên giới”, “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”, “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”. Từ đó, mỗi người dân trở thành “cột mốc sống” bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc”. Các chương trình phối hợp giữa MTTQ với BĐBP đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hướng về biên giới, biển đảo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; củng cố cơ sở chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.- đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Nổi bật, hai bên đã phát huy vai trò của mình trong vận động nhân dân tham gia các hoạt động thiết thực trong công tác đối ngoại nhân dân hai bên biên giới như: “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển...
Bồi dưỡng, phát huy vai trò người có uy tín
Theo đồng chí Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, một trong những nội dung phối hợp của hai bên đạt hiệu quả cao, đó là xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hai bên đã phối hợp lựa chọn, xây dựng được 29.885 người có uy tín ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần, dân tộc với các cương vị công tác khác nhau. Họ là những người tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc; bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cột mốc biên giới, hòa giải cộng đồng tại các thôn, bản.
Đặc biệt, lực lượng người có uy tín tiêu biểu đã phát huy vai trò trong việc cung cấp thông tin, phản ánh tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới, xây dựng đường biên giới bình yên. Đồng chí Vũ Dương Châu cho biết, thời gian tới, hai bên cần tập trung phối hợp hoàn thiện tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn người có uy tín tiêu biểu; duy trì công tác tập huấn, bồi dưỡng người có uy tín tiêu biểu; có biện pháp thiết thực, cụ thể giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có uy tín tiêu biểu phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, để phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của họ trong tuyên truyền, vận động cộng đồng học tập và làm theo.
Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành đối với già làng, trưởng bản, người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết, lễ của các dân tộc thiểu số. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các già làng, trưởng bản, người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác vận động cộng đồng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
“Trong năm 2018, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức 2 hội nghị biểu dương người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia giai đoạn 2009-2018, khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào. Điều đó thể hiện hiệu quả trong công tác phối hợp xây dựng, bồi dưỡng người có uy tín, xuất hiện các tấm gương điển hình tiên tiến của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn bản sắc văn hóa; bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới...” - đồng chí Vũ Dương Châu nhấn mạnh.
Viết Hà