Biên phòng - Những năm qua, cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, Đồn Biên phòng Hải Hòa, BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương duy trì tốt mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản, bến bãi an toàn” trên địa bàn. Hoạt động của mô hình này đã tương trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt hải sản đúng quy định; đồng thời, ngư dân sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp sự cố xảy ra trên biển, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đồn Biên phòng Hải Hòa đứng chân trên địa bàn xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, có nhiệm vụ quản lý 23,5km bờ biển và địa bàn 9 xã của huyện Tĩnh Gia. Trong đó, có 2 cửa lạch lớn là Lạch Bạng và Lạch Ghép cùng nhiều bãi ngang ven biển. Nơi đây thường xuyên có nhiều tàu, thuyền trên địa bàn và các địa phương lân cận ra vào neo đậu, tránh trú bão và trao đổi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Do lưu lượng phương tiện đông, hoạt động rộng khắp trên vùng biển vịnh Bắc bộ, nên tình trạng tranh chấp ngư trường, tranh giành vị trí neo đậu khi ra vào bến, trộm cắp ngư lưới cụ diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn cũng như trên biển.
Xuất phát từ tình hình trên, Đồn Biên phòng Hải Hòa đã lập kế hoạch xây dựng mô hình Tổ tàu thuyền tự quản và đơn vị đã chọn địa bàn cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Thanh - nơi có số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ tập trung để làm điểm và nhân rộng ra các xã khác. Đồng thời, lập tổ công tác tuyên truyền cho ngư dân về ý nghĩa của việc thành lập Tổ tàu thuyền tự quản và tham mưu cho chính quyền huyện Tĩnh Gia ra quyết định công nhận 167 Tổ an ninh trật tự trên biển thuộc 4 xã gồm Hải Thanh, Hải Hòa, Hải Ninh và Hải Châu.
Trung tá Lê Ngọc Lâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hải Hòa cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch để tuyên truyền cho các chủ phương tiện và ngư dân khai thác trên biển biết được các quy định của pháp luật; tổ chức rà soát, ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp đến từng chủ phương tiện, kiểm tra các phương tiện trước khi ra khơi. Đồng thời, chúng tôi đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Lạch Bạng và Trạm Kiểm soát Lạch Ghép tuyên truyền qua các cụm loa về các văn bản pháp luật khi có tàu neo đậu ở đây, kết hợp tuyên truyền thông qua các Tổ tàu thuyền tự quản...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên các Tổ tàu thuyền tự quản sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong khai thác, Đồn Biên phòng Hải Hòa tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các ngư dân.
Anh Lê Văn Tiềm - một chủ tàu cá ở xã Hải Thanh cho biết, với kinh nghiệm của mình, anh đã hướng dẫn cho các bạn nghề trẻ để họ biết lợi ích khi tham gia vào tổ, hội là để tạo nên sức mạnh tự bảo vệ mình, nếu có trường hợp gì bất trắc thì anh em giúp đỡ lẫn nhau. Nếu gặp sóng gió, hỏng máy thì thông tin cứu trợ nhau kịp thời, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: “Hiện tại, xã Hải Thanh có 215 tàu, thuyền đánh bắt trên biển với hơn 2.000 lao động, trong đó có 5 tàu được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, mỗi tàu công suất 800CV. Hằng năm, ngư dân địa phương khai thác đánh bắt trên biển đạt trên 8.000 tấn; thu nhập bình quân mỗi lao động từ 60-100 triệu đồng/năm, đây là thế mạnh phát triển kinh tế biển của xã nhà. Từ khi phát động đến nay, xã Hải Thanh đã có 19 Tổ tàu thuyền tự quản trên biển hoạt động hiệu quả. Tình trạng trộm cắp tài sản, gây gổ đánh nhau giữa các thuyền viên trên các phương tiện giảm hẳn, tinh thần cảnh giác bảo vệ tài sản lẫn nhau của các chủ phương tiện tăng lên. Ngư dân đã cung cấp cho cán bộ đồn Biên phòng và chính quyền địa phương hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đồn phụ trách”.
Xuân Thủy