Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 11:37 GMT+7

Phát huy hiệu quả mô hình “Tổ 3 người” trên không gian mạng

Biên phòng - Mô hình “Tổ 3 người” được khôi phục hoạt động trong toàn quân từ năm 2019 đến nay là biện pháp quan trọng để cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc quản lý theo hành chính có lẽ là chưa đủ mà cần có sự quản lý đối với các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên không gian mạng xã hội.

Đội ngũ cán bộ cơ sở phải thực sự gần gũi, đồng hành cùng các chiến sĩ trong mọi hoạt động tại đơn vị. Trong ảnh: Một buổi học tập chính trị của chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Lào Cai. Ảnh: Trọng Mạch

“Tổ 3 người” là một tổ chức chiến đấu, sinh hoạt tư tưởng và tình cảm, có tính quần chúng rộng rãi, để giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, học tập, công tác, sinh hoạt hằng ngày; tự quản lý nhau về chính trị, tư tưởng, tương trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, học tập, công tác và đời sống cá nhân. Thực tế, “Tổ 3 người” đã từng được áp dụng rất hiệu quả trong QĐND Việt Nam qua các thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước với mô hình một tiểu đội được xây dựng trên cơ sở 3 tổ 3 người với tên gọi “Tổ tam tam” hay “Tam tam chế”.

Trong BĐBP Lào Cai, “Tổ 3 người” được tổ chức ở cấp đội công tác, trạm kiểm soát thuộc các đồn Biên phòng; tiểu đội, trung đội, đại đội thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động; tiểu đội, trung đội vệ binh thuộc Văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Ở mỗi bộ phận, cứ 3 người có liên quan với nhau về nhiệm vụ, công tác thì tổ chức thành một tổ hoặc có thể là 4 người nếu quân số lẻ. Đây là nhóm người có cơ cấu hài hòa về chức vụ, độ tuổi, chuyên môn, kinh nghiệm, văn hóa, dân tộc, phong tục, tập quán, cá tính, sở trường..., nhằm tăng cường chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Tổ trưởng là những người có cấp bậc quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong tổ hoặc cán bộ công tác lâu năm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chỉ huy, bản lĩnh, kinh nghiệm, gương mẫu, uy tín để động viên, giáo dục, thuyết phục tổ viên.

Thực tế, hoạt động của “Tổ 3 người” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, thông qua đó, cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và đề ra những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực nhằm giữ vững trận địa tư tưởng trong toàn đơn vị. Đó cũng là điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ chính trị ở đơn vị; nêu cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ về đạo đức, lối sống, tác phong công tác sâu sát, gần gũi, thương yêu cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, xây dựng mối quan hệ cán binh và các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tham gia các nền tảng mạng xã hội là nhu cầu chính đáng của mỗi người và mỗi quân nhân cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, việc quản lý theo hành chính có lẽ là chưa đủ mà cần có sự quản lý của cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy đối với các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên không gian mạng xã hội. Theo đó, những thành viên trong “Tổ 3 người” theo biên chế không những được tổ chức hoạt động ngoài đời thực, mà còn có trách nhiệm liên kết với nhau thành nhóm trên không gian mạng để các thành viên nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; thậm chí là sở thích, các mối quan hệ tương tác của nhau thông qua những hoạt động tương tác trên mạng xã hội. Từ đó, việc động viên, giúp đỡ nhau cũng kịp thời và hiệu quả hơn.

Thượng tá Cù Xuân Thảo, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Lào Cai cho biết: Chiến sĩ mới là đối tượng khó nhất trong việc nắm bắt tình hình hình tư tưởng, vì vậy, ngay từ khi mới nhập ngũ, tôi đã có số điện thoại và kết bạn với tất cả các đồng chí chiến sĩ mới. Từ các “Tổ 3 người” được thành lập, tôi yêu cầu các đồng chí kết nối với nhau và thành lập các “Tổ 3 người” trên không gian mạng. Thời gian qua, đơn vị luôn duy trì thực hiện có hiệu quả hoạt động “Tổ 3 người”, tạo môi trường lành mạnh bổ ích để các chiến sĩ bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và những vướng mắc trong sinh hoạt, học tập, công tác.

Nhớ lại khóa huấn luyện năm trước có trường hợp chiến sĩ Thào A thường có biểu hiện lo âu, thiếu tập trung trong quá trình huấn luyện, Thượng tá Cù Xuân Thảo chia sẻ: Đồng chí này tuy ít nói nhưng thường hay cập nhật cảm nghĩ mới trên trang cá nhân, từ đó, đồng chí tổ trưởng biết được và kịp thời báo cáo chỉ huy đại đội và tiểu đoàn. Qua tìm hiểu được biết, Thào A đã có vợ trước khi nhập ngũ. Do mới kết hôn nên rất lo lắng vì vợ còn trẻ, mới về làm dâu thì chồng lại đi bộ đội không biết có chịu được không? Biết được điều đó, chúng tôi tạo điều kiện và động viên đồng chí liên lạc thăm hỏi vợ và gia đình vào những lúc rảnh rỗi; mặt khác, chúng tôi liên lạc với chính quyền địa phương và các đồng đội ở đồn Biên phòng gần đó luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ gia đình để đồng chí Thào A yên tâm thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Không chỉ là nơi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, mô hình “Tổ 3 người” trên không gian mạng cũng là nơi rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao sự hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ về pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội và các quy định của đơn vị; xây dựng tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, tích cực phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Như ở Trung đội vệ binh, Văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai có Binh nhất Giàng Seo, là chiến sĩ nhập ngũ được hơn 1 năm. Seo có bạn gái rất xinh đẹp, giỏi giang đang ở quê nhà. Hằng ngày, vào giờ nghỉ, 2 người vẫn thường xuyên liên lạc qua Zalo video.

Một buổi chiều sau khi ăn cơm xong, Seo bật điện thoại lên tâm sự với người yêu, từ chuyện này sang chuyện kia rồi xảy ra tranh luận. Kết quả, Seo bị người yêu giận dỗi và đòi chia tay. Trong lúc mất bình tĩnh, Seo cầm một nắm lá vừa ăn, vừa tự quay clip nói là lá ngón. Cả đơn vị được một phen tá hỏa, phải “kích hoạt” cả một hệ thống xử lý tình huống. Sau khi sự việc xảy ra, Giàng Seo mới thấy những tác hại của việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách lớn như thế nào, chuyện đùa trên không gian mạng lại gây hậu quả thật ngoài đời, chỉ vì hành động bồng bột của mình làm cấp trên và đồng đội được một phen vất vả.

Câu chuyện của 2 chiến sĩ trên là những trường hợp thường xuyên xảy ra trên mạng xã hội, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng có. Vấn đề đặt ra là cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy các đơn vị thông qua hoạt động tương tác trên mạng xã hội của “Tổ 3 người” để nắm, dự báo được tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền và các tình huống có thể xảy ra, từ đó, có cơ sở để đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động cho toàn đơn vị.

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, phần lớn mỗi con người đều tồn tại 2 cuộc sống riêng là cuộc sống đời thực và cuộc sống trên mạng xã hội. Việc tham gia mạng xã hội là một xu hướng tốt, nếu ta hiểu rõ và biết phát huy những tác dụng tích cực, tránh được những hệ lụy do nó mang lại. Mặt khác, thực trạng con người hiện nay ít giao tiếp, tâm sự, chia sẻ trong cuộc sống đời thường mà tăng cường tương tác, chia sẻ trên không gian mạng là một thực tế và trong quân đội tập trung vào đối tượng cán bộ, chiến sĩ trẻ.

Vì vậy, nắm được hoạt động của quân nhân trên các nền tảng mạng xã hội thông qua duy trì tốt hoạt động “Tổ 3 người” trên không gian mạng là vấn đề rất cần thiết. Để thực hiện tốt điều đó, đòi hỏi phải phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ở đơn vị cơ sở. Đội ngũ cán bộ cơ sở như chính trị viên, chính trị viên phó và cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội phải thực sự gần gũi, đồng hành cùng chiến sĩ. Đồng thời, phải phát huy quyền làm chủ của quân nhân, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động “Tổ 3 người” ở đơn vị cơ sở cả trong cuộc sống và trên không gian mạng.

Có như vậy, mới góp phần nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện, nền nếp chính quy; thiết thực giảm thiểu vi phạm kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước, xây dựng tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Nguyễn Trọng Mạch

Bình luận

ZALO