Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hộ gia đình ở biên giới trước tác động của dịch Covid-19

Biên phòng - Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân. Trước tình hình dịch căng thẳng, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của 2 huyện Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đã tập trung đầu tư, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy có quy mô nhỏ lẻ, nhưng đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu ổn định và từng bước vươn lên vượt qua đại dịch.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry cùng người dân kiểm tra chất lượng đẳng sâm trồng theo mô hình trồng xen canh với bắp nếp ở xã Ch’Ơm (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Trúc Hà

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, tỉnh đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Nam có dấu hiệu hồi phục, 6 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn hơn 30.910 tỉ đồng (giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 11,7%. Đây là mức tăng cao trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Trên biên giới huyện Tây Giang, bên cạnh việc tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Đồn Biên phòng A Nông, A Xan và Ga Ray còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân triển khai các chương trình an sinh xã hội như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm tình thương”, “Hũ gạo tình thương”... và đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao đời sống, cải thiện dân sinh. Có thể kể đến các mô hình như: Mô hình lúa nước, nuôi bò sinh sản, nuôi ngan sinh sản, mô hình trồng đẳng sâm xen canh bắp nếp tại xã Ch’Ơm, Ga Ry, A xan, A Nông, A Tiêng...

Chị A Lăng Thị Nhéo là 1 trong 2 hộ ở thôn A Choong, xã Ch’Ơm được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và kết nối đầu ra cho sản phẩm đẳng sâm. Đẳng sâm được thu mua với giá 100.000 đồng/kg đối với củ nhỏ. Những củ to, có hình thức đẹp, thương lái mua với giá 300-400.000 đồng/kg.

Đặc biệt, thời gian trồng đẳng sâm cũng không dài, thậm chí ngắn hơn với các loại cây ăn quả nên những gia đình khó khăn đã có thể thu hoạch sớm. Nếu trồng trong thời gian từ 3-4 năm, cây sẽ cho củ to, bán được giá thành cao hơn. Có lần, gia đình chị Nhéo thu hoạch được những củ nặng 8-9 lạng, bán giá cao gấp 5-6 lần so với loại củ thường.

Bởi vậy, chị Nhéo đã chuyển sang đầu tư trồng đẳng sâm chất lượng thay vì số lượng. Ngoài 3 ha được hỗ trợ, gia đình chị Nhéo còn tự trồng thêm 3ha. Với 6ha đẳng sâm luân phiên cho thu hoạch giúp chị Nhéo sửa nhà, mua xe máy và lo cho con cái theo học ở trung tâm huyện.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam giúp nhân dân trên địa bàn thu hoạch lúa nước (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hồng Anh

Có vị trí chiến lược quan trọng khi có cửa khẩu giao thương với nước Bạn Lào, xã biên giới La Dê (huyện Nam Giang) luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực từ các cấp, các ngành. Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân tập trung phát triển kinh tế từ điều kiện sẵn có.

Đại úy Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang cho biết: “Trong những năm qua, Đảng ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, Đảng ủy xã La Dê và Đắc Tôi thực hiện quy chế phối hợp trên các lĩnh vực an ninh, chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội thì bà con đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Chúng tôi vận động một số hộ đảng viên đi trước làm gương, sau đó nhân rộng ra các hộ khác. Nhờ đó, người dân bắt đầu thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ các nguồn hỗ trợ mà đã biết xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO