Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hộ gia đình ở biên giới

Biên phòng - Thực tế, việc nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều thách thức khi nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt chưa đồng bộ, khó thu hút vốn đầu tư. Do vậy, những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của 2 huyện Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đã tập trung đầu tư, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy có quy mô nhỏ lẻ, nhưng đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry cùng người dân kiểm tra chất lượng đẳng sâm trồng theo mô hình trồng xen canh với bắp nếp ở xã Ch’Ơm (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Trúc Hà

Trên biên giới huyện Tây Giang, bên cạnh việc tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Đồn Biên phòng A Nông, A Xan và Ga Ray còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân triển khai các chương trình an sinh xã hội như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm tình thương”, “Hũ gạo tình thương”... và đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao đời sống, cải thiện dân sinh. Có thể kể đến các mô hình như: Mô hình lúa nước, nuôi bò sinh sản, nuôi ngan sinh sản, mô hình trồng đẳng sâm xen canh bắp nếp tại xã Ch’Ơm, Ga Ry, A xan, A Nông, A Tiêng...

Chị A Lăng Thị Nhéo là 1 trong 2 hộ ở thôn A Choong, xã Ch’Ơm được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và kết nối đầu ra cho sản phẩm đẳng sâm. Đẳng sâm được thu mua với giá 100.000 đồng/kg đối với củ nhỏ. Những củ to, có hình thức đẹp, thương lái mua với giá 300-400.000 đồng/kg.

Đặc biệt, thời gian trồng đẳng sâm cũng không dài, thậm chí ngắn hơn với các loại cây ăn quả nên những gia đình khó khăn đã có thể thu hoạch sớm. Nếu trồng trong thời gian từ 3-4 năm, cây sẽ cho củ to, bán được giá thành cao hơn. Có lần, gia đình chị Nhéo thu hoạch được những củ nặng 8-9 lạng, bán giá cao gấp 5-6 lần so với loại củ thường.

Bởi vậy, chị Nhéo đã chuyển sang đầu tư trồng đẳng sâm chất lượng thay vì số lượng. Ngoài 3 ha được hỗ trợ, gia đình chị Nhéo còn tự trồng thêm 3ha. Với 6ha đẳng sâm luân phiên cho thu hoạch giúp chị Nhéo sửa nhà, mua xe máy và lo cho con cái theo học ở trung tâm huyện.

Có vị trí chiến lược quan trọng khi có cửa khẩu giao thương với nước Bạn Lào, xã biên giới La Dê (huyện Nam Giang) luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực từ các cấp, các ngành. Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân tập trung phát triển kinh tế từ điều kiện sẵn có.

Đại úy Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang cho biết: “Trong những năm qua, Đảng ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, Đảng ủy xã La Dê và Đắc Tôi thực hiện quy chế phối hợp trên các lĩnh vực an ninh, chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội thì bà con đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Chúng tôi vận động một số hộ đảng viên đi trước làm gương, sau đó nhân rộng ra các hộ khác. Nhờ đó, người dân bắt đầu thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ các nguồn hỗ trợ mà đã biết xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam giúp nhân dân trên địa bàn thu hoạch lúa nước (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hồng Anh

Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang còn phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị kết nghĩa, mạnh thường quân giúp dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế vùng biên (hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kĩ thuật, kết nối đầu ra cho sản phẩm) và đã cho những kết quả tích cực. Mô hình nuôi gà, vịt thả vườn được bà Alăng Trí, thôn Đắc Ốc, xã La Dê được xem là mô hình điển hình, tiên phong để người dân địa phương học hỏi. Tận dụng vườn rộng, có lạch nước chảy qua, bà A Lăng Trí đầu tư nuôi gà và vịt.

Trước đây, chuyện nuôi gà, vịt đối với bà A Lăng Trí chỉ đủ tự cung, tự cấp trong gia đình. Từ ngày được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đến nhà tuyên truyền, bà A Lăng Trí ý thức được hiệu quả của việc phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi. Từ đó, bà Trí bắt đầu nâng quy mô chăn nuôi và duy trì ổn định 1 năm khoảng 3 lứa, mỗi lứa khoảng 100 con vịt, 50 con gà. Được cán bộ hỗ trợ phương pháp nuôi, kỹ thuật phòng dịch bệnh nên đàn gia cầm tăng trưởng nhanh. Trung bình, sau mỗi lứa nuôi, bà Trí lãi khoảng 3 triệu đồng. Tuy không phải là số tiền lớn, nhưng đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Mô hình trồng chuối ở 2 thôn Công Tờ Rơn và Đắc Pênh, xã La Dê cũng là mô hình được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế trong thời gian gần đây. UBND xã La Dê phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang tổ chức quy hoạch, hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng. 30 gia đình người Cơ Tu, Tà Riềng được lựa chọn tham gia trên cơ sở có đất và có mong muốn thoát nghèo. Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên chuối cho buồng to, sai quả, bán được giá cao. Nhờ vậy, các hộ dân đã thu được nguồn thu không nhỏ.

Hành trình xây dựng vùng biên cương giàu đẹp sẽ còn dài, thế nhưng, không thể phủ nhận, vùng biên giới Quảng Nam hôm nay đã đổi khác, đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tà Riềng, Ve có cuộc sống no đủ hơn, siêng năng làm lụng, vươn lên thoát nghèo. Và, khi đời sống của người dân no ấm thì hiển nhiên phên dậu Tổ quốc sẽ ngày càng vững chắc.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO