Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 04:00 GMT+7

Phát huy hiệu quả mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới Cao Bằng

Biên phòng - Những năm qua, bên cạnh các chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, thực hiện chủ trương của cấp trên, BĐBP Cao Bằng đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó, đã góp phần thắt chặt mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước và mối quan hệ thân tộc vốn có lâu đời giữa nhân dân hai bên biên giới.

Xóm Nà Thắm - Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng kết nghĩa với Phố Cũ, trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, năm 2018. Ảnh: Sái Hùng

Với phương châm bảo vệ biên cương không chỉ là bảo vệ đường biên, cột mốc, mà còn là giữ gìn, xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, trong đó, vấn đề ưu tiên là đẩy mạnh việc thực hiện kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhờ sự nỗ lực của hai bên, cho tới thời điểm này, trên tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng đã có 13 cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới. Sau khi kết nghĩa, tình anh em, dòng họ, bạn bè đã được thắt chặt giữa hàng nghìn hộ dân hai bên biên giới. Khi xảy ra vụ việc có liên quan, nhân dân hai bên đều ngồi lại với nhau, cùng tìm cái đúng, cái sai để giải quyết thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa đảm bảo tình hữu hảo...

Không những vậy, người dân tại các cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới còn thường xuyên phối hợp giáo dục, tuyên truyền về truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, phổ biến các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, các hiệp định, nghị định, quy chế quản lý biên giới chung giữa hai nước. Qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân về độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; giúp nhân dân chấp hành nghiêm các hiệp định, nghị định, quy chế quản lý biên giới, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Đặc biệt, nhân dân hai bên biên giới tích cực tham gia phòng, chống và tố giác tội phạm; phối hợp với các cấp, các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chống phá đường lối, chính sách, tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước...

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Ngọc Hoan, Bí thư Chi bộ xóm Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng (xóm Nà Chào kết nghĩa với Phố Cũ, trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, năm 2018) cho biết, thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, định kỳ 6 tháng một lần, hai bên tổ chức giao ban luân phiên để thông tin, trao đổi tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan ngay từ cơ sở, bảo đảm theo đúng hiệp định mà hai Nhà nước đã ký kết. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các cặp cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới vẫn giữ vững và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống mỗi dân tộc, đồng thời, các tập tục lạc hậu dần được bãi bỏ...

“Trong hơn 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng nhất định đến sự giao lưu, đi lại của nhân dân hai bên biên giới, nhưng chúng tôi vẫn duy trì liên lạc qua điện thoại, động viên nhau vượt qua khó khăn. Hai bên tích cực trao đổi về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của mỗi quốc gia, địa phương, vận động con cháu không xuất nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật... Mong muốn của chúng tôi là dịch bệnh sớm qua đi, mọi thứ trở về bình thường để chúng tôi tiếp tục có thể thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương” - ông Hoan bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Đặng Hồng Quân, Phó Chính ủy BĐBP Cao Bằng cho biết, trên tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng, nhân dân hai bên biên giới sẵn có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời, hầu hết có mối quan hệ thân tộc. Do vậy, chúng tôi xác định rằng, nếu tham mưu cho chính quyền địa phương làm tốt chương trình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới sẽ tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, khơi dậy tính thân tộc, dân tộc, dòng họ, giúp nhân dân hai bên có thêm điều kiện giao lưu, cùng nhau hợp tác, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đối với BĐBP Cao Bằng, chương trình này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân hai bên biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

“Có thể thấy rằng, mô hình kết nghĩa không những vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa cư dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới” - Đại tá Quân chia sẻ thêm.

Được biết, để triển khai hiệu quả mô hình này trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát, trong thời gian tới, BĐBP Cao Bằng sẽ tham mưu cho Huyện ủy, UBND các huyện biên giới xây dựng kế hoạch, tiến trình và các văn bản liên quan, chỉ đạo các xã, thị trấn biên giới tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Các đơn vị sẽ tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục khảo sát, lựa chọn thời gian thích hợp để tổ chức giao lưu cụm dân cư hai bên biên giới.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO