Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 07:08 GMT+7

Phát huy hiệu quả mô hình "Tổ tàu thuyền đoàn kết"

Biên phòng - Thượng tá Trần Tiến Thực, Trưởng ban vận động quần chúng, BĐBP TP Hải Phòng cho biết: Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Hải Phòng hiện đang diễn ra nhộn nhịp với cơ cấu ngành nghề khai thác đa dạng, ngư trường rộng lớn, từ vùng biển ven bờ quanh các quần đảo Cát Bà, Long Châu cho đến đảo Bạch Long Vỹ và vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc. 

rmtj_6a-1.jpg
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Hải Phòng giúp ngư dân thu lưới đánh bắt hải sản.

Để giúp ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, năm 2013, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập "Tổ tàu thuyền đoàn kết" để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác và khi gặp thiên tai, hoạn nạn.

Đến nay đã thành lập được 28 tổ tàu thuyền đoàn kết, với 448 phương tiện tham gia ở các địa bàn trọng điểm về khai thác thủy, hải sản và dịch vụ du lịch như: Đồ Sơn, Cát Hải, Cát Bà, Thủy Nguyên. Mỗi tổ tàu thuyền đoàn kết khi ra mắt đều được Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố và chính quyền địa phương trao tặng áo phao cứu sinh và cờ Tổ quốc cho các chủ phương tiện.

Theo phản ánh của ngư dân, trước đây, khi đi khai thác thủy sản trên biển, thường tổ chức đánh bắt riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, mỗi tàu thuyền tự tìm cho mình một ngư trường đánh bắt, nên khi có sự cố xảy ra, rất ít khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tàu bạn. Từ khi thành lập các "Tổ tàu thuyền đoàn kết", ngư dân thông tin hỗ trợ nhau tìm ngư trường đánh bắt, khai thác với sản lượng cao, giá trị sản phẩm lớn, tăng mức thu nhập.

Anh Đinh Văn Nít, tổ viên "Tổ tàu thuyền đoàn kết" ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết: "Mỗi lần đánh bắt xa bờ phải mất cả tháng trời trên biển, chúng tôi cần có sự đoàn kết, tương trợ nhau cùng khai thác hải sản, kịp thời giúp đỡ nhau cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Từ khi đánh bắt theo mô hình này, tôi và mọi người rất yên tâm...".

Thượng tá Trần Tiến Thực cho biết thêm: "Việc thành lập và đi vào hoạt động của các "Tổ tàu thuyền đoàn kết" giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi khai thác hải sản, bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai, kịp thời cứu hộ, cứu nạn". Điều này thể hiện qua việc các thuyền viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm khai thác ở ngư trường, khắc phục sự cố máy móc, kịp thời thông tin về tình hình thời tiết... Khi các phương tiện khác trong tổ, hoặc không ở trong tổ gặp nạn, các thành viên của tổ tàu thuyền đoàn kết đều có trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn.

Để nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo của ngư dân, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hải Phòng còn phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng và các quận, huyện có tàu vươn khơi tổ chức tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về Luật Biển, Luật Hàng hải, cơ chế thông tin liên lạc trên biển, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, những vấn đề về chủ quyền trên vùng biển, đảo; triển khai đánh dấu tàu cá và gắn biển phân tuyến vùng khai thác cho tàu vươn khơi.

Qua các đợt tập huấn, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, ngư dân khi khai thác thủy sản trên biển đều treo quốc kỳ Việt Nam trên nóc phương tiện. Ngư dân cũng luôn tích cực đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, khai thác trộm thủy hải sản.

Đại tá Phạm Công Lục, Phó Chính ủy BĐBP TP Hải Phòng khẳng định: "Xây dựng tổ tàu thuyền đoàn kết, ngoài việc các ngư dân, phương tiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, cứu hộ, cứu nạn, còn giúp lực lượng Biên phòng làm tốt hơn công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biên giới biển". Đại tá Phạm Công Lục nhấn mạnh về vai trò của ngư dân và coi đó là kênh thông tin quan trọng, giúp đơn vị phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền khu vực biên giới biển, cũng như cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự trên biển.

Năm 2014, qua tuần tra và kết hợp với nguồn tin do ngư dân cung cấp, lực lượng BĐBP thành phố đã xua đuổi hơn 100 lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cũng từ nguồn tin do ngư dân cung cấp, Đồn BP Cát Bà, Đoàn Xá xử lý gần 20 vụ người dân dùng te kích điện đánh bắt hải sản, mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ, chất ma túy. Ngư dân còn là lực lượng tại chỗ giúp BĐBP cùng các cơ quan liên quan thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển khi được trưng dụng phương tiện, con người.

Vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hải Phòng đã tặng Giấy khen cho hai ngư dân là Lê Văn Mạnh và Nguyễn Cao Hữu ở đảo Cát Bà, vì có thành tích cùng lực lượng BĐBP tham gia cứu nạn trong cơn bão số 3.
Nguyễn Quang Vinh

Bình luận

ZALO