Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Phát huy giá trị tốt đẹp từ xây dựng đời sống văn hóa

Biên phòng - Việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Lào Cai đã và đang mang lại những kết quả tích cực. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân, việc thực hiện phong trào này vừa giúp gìn giữ, phát huy được nền văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 25 dân tộc cùng sinh sống, vừa góp phần xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện.

Con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai được tiếp cận đầy đủ thông tin, báo chí để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Ảnh: Bích Nguyên

Anh Chu Che Xá, Trưởng thôn Lao Chải 1, xã Y Tý vui vẻ giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà mà anh đã dành rất nhiều tâm huyết xây dựng. Đó là ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì đen. Với mục đích làm homestay, phục vụ khách du lịch nghỉ qua đêm, thay vì làm một tầng, anh Xá xây dựng ngôi nhà thành hai tầng để có thêm nhiều phòng ngủ. Tầng hai có ban công, treo nhiều loại phong lan để du khách ngồi ngắm cảnh, thư giãn.

Anh Xá chia sẻ: “Tôi làm ngôi nhà này để ai thích tìm hiểu văn hóa Hà Nhì đều có thể tới đây tham quan, khám phá. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ nhà ở, trang phục, văn hóa ẩm thực đến các lễ, Tết truyền thống cũng như tín ngưỡng do cha ông truyền lại”.

Quả thực, khi thâm nhập vào đời sống của người Hà Nhì mới thấy rằng, bản sắc văn hóa của dân tộc này vẫn được người dân giữ gìn rất tốt và phát huy trong đời sống hiện đại. Theo anh Xá, việc lưu giữ và thực hành các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày vốn là nhu cầu tự thân của đồng bào. “Hiện nay, chúng tôi vẫn tổ chức các lễ hội và nghi thức truyền thống như lễ cầu mùa, lễ cúng rừng, lễ cúng nguồn nước... Việc tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng không chỉ là dịp bà con được hòa vào cộng đồng vui chơi, thư giãn mà còn là dịp để mọi người ôn lại cội nguồn, lịch sử hình thành tộc người của mình. Qua những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, bà con đoàn kết và gắn bó hơn” – anh Xá nói.

Hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì nói riêng và cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai còn được tiếp sức khi chính quyền triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Không chỉ anh Xá mà nhiều người Hà Nhì đen khác đã ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời, tiếp nhận những nét văn hóa mới, phù hợp với cuộc sống đương đại vào đời sống. Có thể lấy ví dụ việc phụ nữ nhiệt tình tham gia cuộc vận động “Nhà sạch, vườn đẹp”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng và tổ chức thường niên, mở các lớp truyền dạy nghề truyền thống, chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc...

Có thể nói, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Lào Cai là động lực và cũng là bộ lọc để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lược bỏ, tiến tới xóa dần những hủ tục, đồng thời đưa những giá trị văn hóa mới, tiên tiến vào trong đời sống của người dân. Điều đó góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa mới, tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai nói riêng và đất nước nói chung.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thu được nhiều kết quả tích cực với việc gần 84% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 89% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 58/127 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tính đến năm 2020. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa từng bước được củng cố, hoàn thiện với hơn 1.600 nhà văn hóa thôn, bản, 124 nhà văn hóa xã, 9 trung tâm văn hóa - thể thao, 5 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh...

Kết quả ấn tượng nhất phải kể đến việc loại bỏ được nhiều tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được giảm thiểu và chấm dứt. Tính đến tháng 6-2021, toàn tỉnh chỉ còn 208 người tảo hôn, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, các di tích lịch sử, di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Toàn tỉnh có 36 di tích đã được xếp hạng, trong đó, có 19 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Với việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, đến nay, tỉnh Lào Cai có 33 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 2 di sản đại diện nhân loại (Nghi lễ kéo co Tày, Giáy và Nghi lễ thực hành then Tày, Nùng Thái).

Mục tiêu tỉnh Lào Cai hướng đến năm 2025 là 86% hộ gia đình trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 80% thôn bản, tổ dân phố trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa; 60% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai các giải pháp để thu hút 60% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đồng thời, đầu tư xây dựng để 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn; 100% thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa đã được xây dựng.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO