Biên phòng - Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ sự thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự kiện lịch sử này đã để lại nhiều bài học có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta. Trong đó, bài học về nắm bắt và chớp thời cơ vẫn là bài học quý giá nhất trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.
![]() |
Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính quân Pháp tại Đông Dương. Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và nhanh chóng đưa ra nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần và ra Chỉ thị: "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
Đến tháng 7-1945, phát xít Đức, Ý thất bại trên chiến trường châu Âu, phát xít Nhật cũng liên tiếp thất bại và phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện vào ngày 14-8-1945. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, các nước đồng minh thỏa thuận, Quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp Quân đội Nhật. Trước tình hình đó, thực dân Pháp dựa vào đồng minh lăm le khôi phục địa vị thống trị của mình ở Việt Nam, còn đế quốc Mỹ cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta khẳng định tình thế cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội nghìn năm có một để giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa. Người viết: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta nhất tề đứng lên khởi nghĩa và chỉ trong một tháng, cả nước đã giành chính quyền về tay nhân dân.
Ôn lại một lát cắt lịch sử để thấy rằng thành công lớn nhất trong Cách mạng tháng Tám là do Đảng ta đã chọn đúng thời cơ khởi nghĩa. Đó là lúc quân Anh chưa vào miền Nam, 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp Quân đội Nhật, còn quân Nhật hoang mang, rệu rã chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, quan chức chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim số thì bỏ trốn, số đầu hàng cách mạng. Do nắm bắt đúng thời cơ, chọn đúng thời điểm Tổng khởi nghĩa nên Cách mạng tháng Tám nhanh chóng thành công một cách triệt để.
Từ ngày 14 đến 18-8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và một số địa phương chính quyền đã về tay nhân dân. Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và một số tỉnh trên cả nước... Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định và 7 tỉnh Nam bộ... Như vậy, trong gần 1 tháng, nhân dân ta khởi nghĩa thắng lợi, lập chính quyền trong cả nước một cách nhanh gọn, ít đổ máu.
Đến ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Và những giá trị trong công cuộc đổi mới
70 năm đã trôi qua, nhưng bài học về nắm bắt và chớp thời cơ cách mạng của Đảng trong Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Tham luận tại hội thảo "70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển", PGS.TS Vũ Quang Vinh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Vấn đề nắm bắt thời cơ cách mạng không chỉ có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta hiện nay theo định hướng XHCN.
Trong điều kiện lịch sử mới, công cuộc đổi mới của nước ta đang đứng trước những vận hội và thách thức mới. Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng đều thống nhất nhìn nhận: Sự nghiệp đổi mới của nước ta đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức thuận lợi, nhưng cũng đang phải đối đầu với nhiều nguy cơ, trong đó nổi bật là nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ chệch hướng XHCN; về tham nhũng... Để tận dụng được thời cơ và vượt qua các nguy cơ, chúng ta đã và đang tiến hành nhiều giải pháp trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, luật pháp cho đến xây dựng Đảng".
PGS.TS Nguyễn Ngọc Mão, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Trước khi đổi mới đất nước, Việt Nam hầu như bị cô lập trong quan hệ quốc tế. Chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ VI là cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phải đổi mới tư duy ngoại giao, tranh thủ những nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.
"Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, gia nhập WTO tháng 1-2007, tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương và đang tích cực tham gia đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực chủ động tham gia sâu vào diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đăng cai APEC năm 2006 và tiến tới đăng cai APEC năm 2017.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về phương diện chính trị, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 26 nước, trong đó có tất cả các nước là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một tổ chức lớn và quan trọng nhất thế giới nhiệm kỳ 2008-2009. Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế".
Còn theo PGS.TS Vũ Quang Vinh, trong tình hình hiện nay để khai thác thời cơ và đẩy lùi nguy cơ, trước hết cần tạo được sự chuyển biến thật sự trong nhận thức về cơ hội hiếm có hiện nay của dân tộc, biến nó thành những hoạt động thiết thực, thành ý chí quyết tâm của mỗi người dân.
Ông nhấn mạnh: "Cơ hội không tự nó đem lại kết quả nếu chúng ta không quyết tâm và nỗ lực phấn đấu. Nước ta là một quốc gia độc lập, thống nhất, đoàn kết dân tộc, có chế độ chính trị ổn định, có lợi thế về sức lao động và con người, tài nguyên và vị trí địa lý, về tiềm năng của thị trường, đồng thời là nước đi sau lại nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới, ta có thể học hỏi những nước đi trước để đẩy nhanh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Nhìn lại cả tiến trình lịch sử của đất nước, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Tất cả những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 70 năm qua, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Những bài học lịch sử của Cách mạng tháng Tám sẽ được các thế hệ người Việt Nam đào sâu suy nghĩ, chiêm nghiệm và vận dụng...".
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhận định: “Tình hình thế giới và khu vực hiện nay đang có những biến chuyển sâu sắc, khó đoán định. Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, các giá trị lịch sử và tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn".