Biên phòng - Pháp vừa tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian 6 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, dư luận quốc tế đánh giá, giữa làn sóng Covid-19 lần thứ 5, Pháp đang có nhiều tham vọng khi đảm nhiệm trọng trách này.

Trong lần thứ 13 đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU (từ ngày 1-1 đến 30-6), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra thông điệp nhấn mạnh rằng, Pháp đã chuẩn bị cho nhiệm kỳ này từ năm 2017 với mong muốn thúc đẩy sự đổi mới của EU. Trong thời điểm hiện tại, châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh và y tế, song hành với sự trỗi dậy của các cường quốc và các thách thức về biến đổi khí hậu.
Theo Tổng thống Pháp, mục tiêu hàng đầu mà nước này hướng tới để dẫn dắt EU là củng cố Khối trở thành một tổ chức khu vực mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Trong đó, cần phải trở thành một EU có chủ quyền đầy đủ, tự do lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình. Chủ quyền đầy đủ phải được hiện thực hóa thông qua việc kiểm soát tốt hơn các biên giới bên trong và bên ngoài EU, đặc biệt là phải cải tổ khu vực Schengen, đề cao thúc đẩy Hiệp ước di cư châu Âu và cải cách chính sách của Khối trong lĩnh vực này.
Ưu tiên tiếp theo mà Pháp hướng tới là tăng cường sức mạnh phòng thủ châu Âu. Tổng thống Pháp cho rằng, một số giải pháp cần thiết phải triển khai trong thời gian tới, nổi bật như thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu, thông qua Sách Trắng để đổi mới các định hướng quốc phòng và an ninh của châu Âu. Song hành với đó, EU sẽ cần chú trọng đến vấn đề ổn định và an ninh của các khu vực lân cận, đặc biệt là mối quan hệ châu Âu - châu Phi cần có những thỏa thuận mới. Dự kiến, hội nghị thượng định EU - Liên minh châu Phi (AU) vào tháng 2 tới sẽ hiện thực hóa những thỏa thuận kỳ vọng này. Mặt khác, vào tháng 6 - giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình, Pháp sẽ chủ trì tổ chức hội nghị tại Tây Balkan nhằm thúc đẩy gắn kết khu vực với EU.
Cùng với đó, Pháp cũng chú trọng “số hóa” với 2 văn bản tiên phong đang được đàm phán trong các định chế của EU có thể được thông qua vào nửa đầu năm 2022 gồm: Quy định về thị trường kỹ thuật số (DMA) và Quy định về dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Mặt khác, Pháp sẽ chú trọng tới chủ nghĩa nhân văn châu Âu, đề cao nhà nước pháp quyền ở các quốc gia thành viên.
Theo giới quan sát châu Âu, bên cạnh những mục tiêu mà Pháp hướng tới, quốc gia này cũng phải thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng theo chương trình lập pháp của châu Âu và đưa ra các thỏa hiệp khả thi trong các vấn đề chính trị giữa 27 thành viên của Khối cũng như giữa các chính phủ với Nghị viện châu Âu. Trong 6 tháng đầu năm, Pháp dự kiến chủ trì 400 sự kiện của EU trước khi chuyển giao cương vị cho Thụy Điển.
Dù có nhiều tham vọng, nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp sẽ gặp một số khó khăn vì trùng với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào tháng 4 tới đây, nhất là việc Tổng thống Macron đang phải đối diện với những đối thủ mạnh hơn mình. Vì vậy, nhiều luồng dư luận tại châu Âu lo ngại rằng, cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch EU của Pháp. Giới học giả chính trị châu Âu nhận định, diễn biến này có thể tạo ra nhiều rủi ro cho Khối nên việc đưa ra các quyết định quan trọng của EU có thể bị lùi lại đến nửa cuối năm, sau khi Pháp kết thúc nhiệm kỳ nửa đầu năm của mình. Dẫu vậy, những nỗ lực của Pháp tạo ra trong nửa năm đầu 2022 sẽ là tiền đề quan trọng cho EU trong thời gian tiếp theo.
Tiếp theo nhiệm kỳ 6 tháng của Pháp là Thụy Điển và Séc. Theo giới quan sát, “bộ ba” Pháp - Thụy Điển - Séc thời gian qua đã soạn thảo một chương trình kéo dài 18 tháng nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi giữa 3 nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU sẽ diễn ra suôn sẻ, có tính thống nhất và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các nỗ lực chung trong việc dẫn dắt Khối ứng phó với bối cảnh đầy biến động của khu vực, cũng như thế giới.
Thanh Trúc